Lưu vực sông 3S giữa cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới

ThienNhien.Net – Số phận của dòng 3S – tên gọi của ba con sông Sesan, Sekong và Srepok chảy qua địa phận của Việt Nam, Lào và Campuchia trước khi hòa vào dòng sông mẹ Mê Kông – đang bị đe dọa bởi sức ép phát triển thủy điện.

Những quan ngại về phát triển thủy điện trên dòng Mê Kông và 3S đang được phản ánh tại Diễn đàn khu vực “Đập trên sông Mê Kông và 3S: Tiếng nói người dân về khủng hoảng của các dòng sông và con đường phía trước”, được tổ chức trong hai ngày 3-4/6/2013 tại Campuchia.

Diễn đàn đã thu hút 200 đại biểu thuộc các tổ chức xã hội, phi chính phủ, đại diện cộng đồng từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và các tổ chức quốc tế với nhiều chia sẻ, trao đổi và đối thoại xoay quanh tác động của đập thủy điện lên kinh tế, xã hội, sinh thái và cuộc sống của cộng đồng địa phương cũng như những nguy cơ xung đột tiềm tàng do các hoạt động phát triển trên các dòng sông.

Ảnh: Hoa Yên
Ảnh: Hoa Yên

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Omboun Tipsuna từ Mạng lưới các tổ chức cộng đồng Mê Kông ở 7 tỉnh Đông Bắc Thái Lan, cho biết: Tác động của thủy điện không cần phải chờ đợi thêm đánh giá. Những bài học từ thủy điện ở Thái Lan là minh chứng rõ ràng mà cộng đồng và chính phủ các quốc gia trong khu vực có thể nhìn vào.

Diễn đàn hy vọng sẽ mang tiếng nói của người dân ở các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đập thủy điện đến với các bên khác nhau, đặc biệt là lãnh đạo các chính phủ – Ông Tek Vannara, Phó Giám đốc Diễn đàn NGO Campuchia, bày tỏ. Ông cũng kiến nghị các chính phủ trong lưu vực sông Mê Kông tôn trọng quyền và quyết định của cộng đồng địa phương trong các dự án xây đập thủy điện; bảo vệ sinh kế và các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trên các dòng sông 3S hiện có hơn 20 đập thủy điện đã và đang được xây dựng. Ngoài ra, 26 dự án khác trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia đang được lên kế hoạch sẽ tiếp tục chia nhỏ ba dòng sông này.

Mặc dù hệ thống đập thủy điện này có nhiều tác động tiềm tàng xuyên biên giới lên đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như sinh kế của nhiều cộng đồng địa phương, việc triển khai các dự án này không bị điều chỉnh, kiểm soát bởi Hiệp định Mê Kông như đối với các dự án ở dòng chính.

Ghi nhận những phản ứng “chưa từng có” từ cộng đồng và các tổ chức trong khu vực đối với các dự án đập thủy điện ở hạ lưu sông Mê Kông, Tổ chức Sông ngòi Thế giới gọi đây là “cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới”.

Diễn đàn do tổ chức TERRA (Thái Lan), Diễn đàn NGO Campuchia, Mạng lưới bảo vệ sông 3S (Campuchia), Hiệp hội Phật giáo vì Phát triển Môi trường (Campuchia), Tổ chức Liên minh Hành động Thủy sản (Campuchia), Hiệp hội Bảo vệ Môi trường và Văn hóa (Campuchia) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đồng tổ chức.