Sông Sài Gòn – Đồng Nai đang “chết”! – Bài 4

Bài 4: Hợp nhất quản lý

ThienNhien.Net – Để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, một trong những điều cốt yếu là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều tỉnh, thành dọc lưu vực sông. Trong đó phải tìm được tiếng nói chung, sự cân bằng lợi ích phát triển kinh tế và môi trường giữa các tỉnh, thành. Đây là điều mà tỉnh, thành nào cũng biết nhưng thực hiện không dễ. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã xấp xỉ ngưỡng loại B. (Ảnh: Kim Ngân/Sài Gòn giải phóng)
Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã xấp xỉ ngưỡng loại B. (Ảnh: Kim Ngân/Sài Gòn giải phóng)

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khắc phục xung đột lợi ích

Các tỉnh trong lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai đã liên kết thành lập Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai. Các địa phương về cơ bản đã xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các mục tiêu của toàn lưu vực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, ban chỉ đạo mới được thành lập nên chưa tiến hành họp hoặc ra văn bản chỉ đạo, điều hành việc triển khai đề án sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, sự tham gia của các bộ, ngành vào hoạt động của Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai chưa chặt chẽ, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên việc chấp hành quy chế làm việc chưa đảm bảo; cơ chế giám sát, đánh giá của ủy ban còn hạn chế, bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực.

Không dừng lại ở đó, các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai đề án. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Ông Francois Donier, Tổng Giám đốc Cơ quan Quốc tế về nước của Pháp: Tranh thủ hợp tác quốc tế

Nước tự nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá đối với con người. Với các quốc gia phát triển, tài nguyên nước được đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong việc khai thác, sử dụng và quản lý với quy mô lớn. Ngược lại, đối với những quốc gia chậm phát triển hoặc các nước đang phát triển, vai trò của nước vẫn chưa được nhận thức rõ ràng, song song với điều đó là việc sử dụng lãng phí và ít có động thái để bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản quý báu này. Là một quốc gia nằm ở hạ lưu của nhiều con sông quốc tế, tài nguyên nước của Việt Nam bị đe dọa rất nghiêm trọng từ bên ngoài lãnh thổ.

Vì vậy, Việt Nam cần phải mở rộng, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan… để cùng chia sẻ nguồn nước; tham dự các diễn đàn thế giới về nước để có thể chia sẻ cách quản lý nước của quốc gia mình. Việc hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia sẽ hỗ trợ và thúc đẩy các cải cách cần thiết cho công tác kiện toàn tổ chức quản lý lưu vực sông của Việt Nam. Về phía Pháp, sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam ở một số lĩnh vực như tăng cường thể chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước; chuyển giao công nghệ phát triển tài nguyên nước và phòng chống ô nhiễm nguồn nước; tăng cường năng lực trong lĩnh vực thông tin và nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước. Trước mắt, Pháp hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này.

Cụ thể, Pháp sẽ nhận 6 cán bộ của Việt Nam sang học tập tại Pháp. Các cán bộ Việt Nam sẽ có dịp làm việc và tương tác trực tiếp với các cán bộ chuyên môn tại các cơ quan của Pháp để thấy rõ hơn cách thức tổ chức bộ máy và công cụ pháp lý để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều quan trọng là Việt Nam cần sớm thống nhất chủ thể quản lý lưu vực sông. Tránh tình trạng có quá nhiều chủ thể cùng tham gia như hiện nay vì sẽ rất khó để triển khai bất kỳ chiến lược phát triển cũng như bảo vệ lưu vực sông.

Ở Pháp, các giải pháp về quản lý tài nguyên nước đã được tìm kiếm trong suốt 50 năm. Cuối cùng, chúng tôi chỉ có thể đạt được hiệu quả như mong muốn khi xây dựng mô hình quản lý chất lượng nguồn nước theo thể thống nhất của sông. Cụ thể, mô hình cơ quan quản lý lưu vực sông tại Pháp được triển khai như sau: Ở cấp quốc gia, Ủy ban Nước quốc gia do một thành viên của nghị viện chủ trì. Các thành viên còn lại bao gồm đại diện của Quốc hội và nghị viện cùng sự tham gia của các cơ quan liên quan và liên minh châu Âu. Ủy ban được các bên tham vấn về các chính sách quốc gia và khu vực liên quan đến lưu vực sông.

Ở cấp lưu vực chia theo 6 lưu vực sông. Ủy ban lưu vực sông do một quan chức địa phương được bầu chủ trì, giữ vai trò quan trọng liên quan đến các hoạt động định hướng sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Ủy ban xây dựng và thông qua kế hoạch tổng thể cho việc phát triển và quản lý nguồn nước cho mỗi lưu vực hoặc nhóm các lưu vực; xác định các phương hướng cơ bản cho việc quản lý nguồn nước một cách cân bằng, đảm bảo chất lượng và khối lượng được các bên tham vấn về giá cả, cơ sở của thu tiền thuế nước tiêu thụ và nước thải. Ủy ban cũng được các bên tham vấn về những ưu tiên cho các chương trình hành động của Cục Nước về lưu vực sông. Cuối cùng là ở cấp chi nhánh và phụ lưu, cấp này sẽ thực hiện kế hoạch quản lý và phát triển nước của các cấp nêu trên.

Ông Michel Stein, chuyên gia về tài nguyên nước của Pháp: Cần có nguồn tài chính vững mạnh

Để có thể triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước, mỗi quốc gia cần phải tạo được cho mình một nguồn tài chính độc lập, vững mạnh dựa trên nguyên tắc những người gây ô nhiễm và những người sử dụng nước phải trả tiền. Nguồn tài chính này có thể dựa trên sự trợ giúp của nhà nước, các tổ chức quốc tế hoặc đóng góp tài chính của các tỉnh, các hộ dùng nước được hưởng lợi trên lưu vực sông. Trong thực tế, phần lớn các tổ chức lưu vực sông trên thế giới được trích một phần nguồn thu từ thuế tài nguyên nước và phí ô nhiễm nước cho các hoạt động quản lý của mình.

Tài chính là yếu tố quan trọng để vạch ra được mục tiêu xa hơn. Xác định được nguồn tài chính chúng ta mới biết được dự án nào cần làm trước, dự án nào thực hiện sau. Ở một số khu vực kinh tế tạo ra nhiều lợi nhuận để phục vụ cho quản lý nguồn nước như thủy điện, khai thác dầu mỏ… phải có chính sách phù hợp để vận động họ tham gia. Cân đối tài chính phải thông qua các bước: dự chi, nguồn tài trợ ở đâu, ưu tiên điểm nào. Các yếu tố này không thực hiện riêng lẻ mà phải kết hợp với các kế hoạch ở từng địa phương. Để đạt được sự cân đối về tài chính phải mất 10-20 năm, vì thế tôi nghĩ nên bắt đầu ngay từ bây giờ.