Bài 3: Tiếp cận sức dân để cứu rừng nghiến cổ thụ Hà Giang

ThienNhien.Net – Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã đưa ra nhiều giải pháp như thành lập các tổ đội công tác liên ngành, tăng cường tuần tra, canh gác để bảo vệ rừng, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng “xẻ thịt” gỗ nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Phong Quang.

Hiện tại, những cây gỗ hàng trăm năm và có cây nghìn năm tuổi vẫn đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử,” nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp cơ quan quản lý, cũng như sự giúp sức của người dân.

Cây gỗ nghiến cổ thụ bị lâm tặc xẻ đôi (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Cây gỗ nghiến cổ thụ bị lâm tặc xẻ đôi (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Tăng cường kiểm soát vẫn “hở”

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, việc rừng đặc dụng Phong Quang bị các đối tượng lén lút khai thác trái phép gỗ quý không chỉ lãnh đạo ở các xã nằm trong khu vực biết mà lực lượng kiểm lâm cũng biết. Tuy nhiên, làm sao để chấm dứt tình trạng này vẫn đang là bài toán chưa tìm được lời giải.

Các đối tượng khai thác, mua, bán và vận chuyển lâm sản chủ yếu là người dân sống trong vùng lõi và vùng giáp ranh. Với các hoạt động tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng này đã không ít lần qua mặt cơ quan chức năng để cung cấp gỗ cho các đầu nậu bên kia biên giới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang cho biết, trước đây, đơn vị đã tham mưu cho Thường trực huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên cùng với Chi cục kiểm lâm tỉnh thành lập 4 tổ công tác, mỗi tổ có 9 người (bao gồm công an, quân đội, biên phòng, dân quân xã và kiểm lâm).

Theo đó, ngân sách của huyện bỏ ra hỗ trợ mỗi người là 50.000đồng/người/ngày. Những tổ công tác này duy trì được gần 3 năm, sau đó quân đội xin rút, còn lại biên phòng, công an, kiểm lâm và dân quân của xã. 4 tổ này nằm ở các thôn Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lì Pả, Tà Lèng và Tân Sơn.

Sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của các bên, Công an tỉnh đã cho thêm một trung đội Cảnh sát cơ động khoảng 30 người nằm vùng mấy tháng để trấn áp và làm công tác tuyên truyền giáo dục.

“Ngoài ra, ngành kiểm lâm cũng đã phối hợp với biên phòng để thường xuyên phải tuần tra mốc biên giới nhằm ngăn chặn các tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới, nhưng trên thực tế thì cũng không thể triệt để, vì đường lối mòn, lối mở là người dân tự khai phá và thông thạo địa hình,” ông Hưng nói.

Chia sẻ thêm về đường đi của lâm tặc, ông Hưng cho biết, thông thường, gỗ nghiến sau khi bị cưa thành dạng thớt sẽ được lâm tặc vận chuyển qua các con đường mòn sang biên giới, bán cho các đầu nậu thu mua. Chính vì đường biên giới dài và nhiều đường mòn tự phát nên nếu sang biên giới thì tất cả các lực lượng chức năng không được phép sang.

“Không những thế, các đối tượng lại vận chuyển gỗ chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, nên công tác bắt giữ lại càng thêm khó khăn,” ông Hưng nói.

Lâm tặc xẻ gỗ nghiến thành dạng thớt tuồn bán sang bên kia biên giới Trung Quốc (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Lâm tặc xẻ gỗ nghiến thành dạng thớt tuồn bán sang bên kia biên giới Trung Quốc (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Dựa vào dân mới giữ được rừng

Trước tình trạng khai thác trái phép gỗ nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Phong Quang đang tiếp tục “nóng,” gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã xác định việc tiếp cận sức dân để kêu gọi cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng cũng như tố giác các hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Theo đó, chính quyền địa phương sẽ bỏ ra một khoản ngân sách, cho thành lập tổ tự quản tham gia bảo vệ rừng tại các thôn. Tổ trưởng của các tổ là già làng, trưởng bản hoặc trưởng thôn, trưởng dòng họ sẽ làm hộ công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình để thông tin các vụ vi phạm lâm luật bị phát giác cho cơ quan chức năng.

“Chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại với người dân của từng thôn. Những điểm nóng sau khi đối thoại xong, chúng tôi sẽ tổ chức ký cam kết về công tác quản lý bảo vệ rừng , phòng cháy chữa cháy rừng, và sắp tới sẽ khoán cho người dân bảo vệ rừng,” ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang nói.

Ngoài ra, theo ông Hưng, khoảng 2 tháng nay, cơ quan chức năng địa phương cũng đã chấp thuận việc thực hiện lễ cúng thần rừng đối với những cây gỗ cổ thụ, đặc biệt là gỗ nghiến. Mỗi khi tổ chức cúng thần rừng, ban quản lý rừng đều mời đông đảo bà con đến tham gia, qua đó tuyên truyền cho bà con về lợi ích mà rừng mang lại.

Không chỉ dựa vào mặt văn hóa để bảo vệ rừng, hiện nay, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đang có những động thái tích cực nhằm bảo vệ chất lượng của rừng đặc dụng Phong Quang như quản lý cưa xăng, đầu tư đường điện, đường bê tông. Đồng thời khoán bảo vệ rừng cho 8 thôn bản vùng cao thuộc vùng lõi rừng đặc dụng, hỗ trợ bà con vay vốn chăn nuôi phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, đời sống của dân trong vùng lõi rừng đặc dụng tỉnh xác định là quan trọng nhất, vì không phải một hai thôn mà rất nhiều thôn sống rải rác. Do đó, tỉnh đã xin đưa được một số hộ dân ra khỏi vùng lõi, chứ không thể di chuyển được hết mà ngược lại cần dựa vào dân để giữ rừng, bảo vệ biên giới.

Mặt khác, “tỉnh cũng đã giao cho huyện Vị Xuyên xây dựng phương án nâng cao đời sống cho bà con, thông qua khoán bảo vệ rừng và cho vay vốn chính sách hỗ trợ lãi suất giúp bà con chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống bà con để bà con bám rừng và giữ rừng cho tỉnh,” ông Tiến nói.

Cây gỗ nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Phong Quang đang cần được bảo vệ nghiêm ngặt. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Cây gỗ nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Phong Quang đang cần được bảo vệ nghiêm ngặt. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Bài cuối – Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang: “Rừng là vốn liếng cho thế hệ mai sau”