ĐBQH Tô Văn Tám: Vẫn chưa rõ dân có được báo trước khi xả lũ hay không

ThienNhien.Net – Khi báo chí đưa tin người dân bị thiệt hại do xả lũ, bên thuỷ điện nói có báo trước rồi, dân thì lại bảo không biết, việc này cần xác minh cụ thể để làm rõ trách nhiệm, đại biểu quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.

Thưa ông, ông nhận định thế nào việc các thuỷ điện đồng loạt xả lũ khiến các tỉnh miền Trung bị ngập nặng vừa rồi?

Mưa lớn gây đe doạ vỡ đập nên buộc các thuỷ điện phải xả lũ. Điều đáng quan tâm ở đây là thuỷ điện của mình không có cái nào thiết kế xả đáy cả, buộc phải xả tràn. Lũ lên cao thì phải xả, làm vùng hạ du bị ngập nhiều hơn.

Người dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy đi lại trong dòng nước lũ chiều 16.11 (Ảnh: Đình Toàn/TNO)
Người dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy đi lại trong dòng nước lũ chiều 16.11 (Ảnh: Đình Toàn/TNO)

Việc này không phải xảy ra một lần, mà người dân vẫn không biết trước?

Trong quy định có ghi rõ khi nào xả là phải báo trước một thời gian nhất định. Nhưng khi sự việc xảy ra, báo chí đưa tin thì họ (thuỷ điện) bảo thông báo rồi, dân bảo là không biết. Thành ra việc này cần xác minh cụ thể, để rõ xem lỗi bên nào để xử lý cho đúng. Hai thông tin trái chiều cần xác minh cho cụ thể, biết rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Thẩm quyền xác minh thuộc về cơ quan nào? 

Cái đó phải là cơ quan nhà nước thôi. Nếu ở tỉnh là sở Công thương phải giúp tỉnh. Nếu ở các công ty lớn, phải là bộ Công thương và các cơ quan nhà nước khác phải xác minh.

Việc bồi thường thế nào thưa ông?

Rõ ràng nếu anh có lỗi thì phải bồi thường. Nếu xả không báo trước để người ta tránh thì phải bồi thường theo quy định của luật Dân sự.

Cảm nhận cá nhân của ông về “nhân tai” này?

Việc này tôi nghĩ bộ Công thương phải rà soát thật kỹ tất cả các thuỷ điện, không chỉ những cái đang triển khai mà những cái đã đi vào hoạt động rồi, để khắc phục những thiếu sót trong thiết kế. Nếu những thuỷ điện nào đang hoạt động nhưng cảm thấy nó không hiệu quả hay gây tác hại đến môi trường thì cũng nên thôi, dừng hoạt động.

Vậy là cần rà soát một lần nữa các thuỷ điện ở miền Trung?

Bây giờ Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, loại bỏ, vừa rồi cũng bỏ nhiều thuỷ điện. Vấn đề ở chỗ các thuỷ điện sau này cần nghiên cứu kỹ thiết kế xả đáy, để khi lũ đến thì dân không thêm nguy ngập.

Trách nhiệm bộ Công thương dường như vẫn xa rời thực tiễn, vai trò giám sát của đại biểu quốc hội cần thúc đẩy thế nào?

Đại biểu quốc hội với vai trò là cơ quan dân cử phải tăng cường giám sát các công trình thuỷ điện trên địa phương của mình. Từ đó phản ánh đến các cơ quan liên quan, đến tỉnh, bộ, Chính phủ để kiến nghị khắc phục những thiếu sót hoặc là kiến nghị loại bỏ thuỷ điện không hiệu quả, gây tác hại đến môi trường. Đoàn đại biểu quốc hội phải làm việc đó.

Vừa rồi đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum mới chỉ thực hiện khảo sát, chưa thực hiện cuộc giám sát nào về thuỷ điện. Đoàn cũng lên tiếng về thuỷ điện Thượng Kon Tum, chưa đóng điện nhưng cũng gây nguy cơ thiếu nước ở hạ du. Phát hiện rồi thì phải kiến nghị.