Nam Bộ: Cần gấp kịch bản chung sống với bão lũ

ThienNhien.Net – Kỷ lục bão tố của năm nay khiến con người cần nhìn lại cách ứng phó, thích nghi với thiên tai, cả ở những nơi vốn được coi là mưa thuận gió hoà như miền Nam…

So sánh đường đi của các trận bão đến vùng Nam Bộ từng giai đoạn 30 năm từ 1945 – 1975 và 1976 – 2007: số cơn bão đi qua vùng này có xu thế tăng dần
So sánh đường đi của các trận bão đến vùng Nam Bộ từng giai đoạn 30 năm từ 1945 – 1975 và 1976 – 2007: số cơn bão đi qua vùng này có xu thế tăng dần

Thiên nhiên không còn ưu đãi

Trên 70% dân Đồng bằng sông Cửu Long (gần 14 triệu người) sống tập trung ở vùng nông thôn đất thấp, dày đặc sông rạch, các vùng ven biển và các vùng đất ngập nước thường xuyên. Nếu chỉ dựa vào con số thống kê và kinh nghiệm trong quá khứ, đây là vùng đất ít có thảm hoạ thiên nhiên (như bão tố, lốc xoáy, nước biển dâng do bão, sóng thần…). Những ưu đãi đó phần nào “nuôi dưỡng” cách nghĩ đơn giản, coi thường hoặc thờ ơ với thiên tai. Nhà cửa, cầu đường vùng này xây dựng rất đơn giản, thậm chí tạm bợ.

Theo một số liệu thống kê năm 2009, ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, trên 90% nhà cửa thuộc loại bán kiên cố và nhà đơn sơ. Những căn nhà này chỉ cần một luồng gió xoáy tương đương cấp 5, cấp 6 (trong thang cấp gió Beaufort) là đổ sập tức thì. Ngay cả ngư dân thường xuyên sống trên sông nước, kể cả trên các vùng ven biển, rất ít người trang bị áo phao, đèn tín hiệu, thiết bị cứu sinh, máy bộ đàm, túi cứu thương… trên ghe thuyền.

Về tổng thể của cả miền Nam, ngay cả những đô thị lớn, chương trình giáo dục gần như không có các bài học phòng chống thiên tai, các thực tập về kỹ năng đối phó thảm hoạ. Theo một số điều tra của viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (đại học Cần Thơ), trên 75% người dân trả lời họ không quan tâm đến các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày. Kể cả trong mùa mưa bão hoặc lũ lụt, con số này vẫn chiếm trên 60% số người được hỏi. Lũ cũng không được người dân xem là thiên tai nếu mức lũ không lớn quá. Quan điểm “sống chung với lũ” đã thành nếp nghĩ tự nhiên của người dân vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Nhìn lại lịch sử thiên tai

Thống kê trong thời đoạn 1956 – 1997, trên Biển Đông có 243 trận bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có bảy trận ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 2,88%). Bão đến Nam bộ thường vào các tháng cuối năm (10 – 12), với tần suất 0,15 cơn/năm. Chính tỷ lệ ít ỏi này tạo ra tâm lý khá chủ quan cho người dân địa phương, gây thiệt hại nặng cả về số nhân và tài sản trong trận lũ năm 2000 và cơn bão Linda năm 1997.

Kết quả nghiên cứu của trung tâm START vùng Đông Nam Á và viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu về đường đi các trận bão từ Biển Đông đến vùng Nam bộ trong suốt 60 năm (từ 1945 – 2007) cho thấy số cơn bão đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng lên như một bằng chứng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cơn lốc ngày 23.9.2013 tốc độ gió xấp xỉ 30km/h, chỉ trong vài mươi phút đã làm sập và tốc mái hơn 800 ngôi nhà ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Cơn bão Linda đổ bộ vào vùng biển Cà Mau trong ngày 2 và 3.11.1997 đã tàn phá một vùng có chiều ngang khoảng 400km dọc bờ biển. Theo số liệu của ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Bạc Liêu, có 778 người chết và 2.123 người mất tích, số bị thương là 1.232 người, thiệt hại vật chất lên đến 7.200 tỉ đồng tính vào thời điểm đó. Trận lũ năm 2000, có hơn 750 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế lên tới 4.600 tỉ đồng.

Trường học ở nước ta chưa phải là nơi bảo vệ cho học sinh khi có thiên tai, trong khi nhiều nước xem trường học là một trong những nơi trú ẩn cho người dân khu vực. Trong ảnh: ngày 7.11.2013 tại TP.HCM, một phụ huynh đội mưa đưa con đến trường mầm non nhưng thấy thông báo nghỉ tránh bão và ngập nước (Ảnh: Thanh Hảo/sgtt.vn)
Trường học ở nước ta chưa phải là nơi bảo vệ cho học sinh khi có thiên tai, trong khi nhiều nước xem trường học là một trong những nơi trú ẩn cho người dân khu vực. Trong ảnh: ngày 7.11.2013 tại TP.HCM, một phụ huynh đội mưa đưa con đến trường mầm non nhưng thấy thông báo nghỉ tránh bão và ngập nước (Ảnh: Thanh Hảo/sgtt.vn)

Kịch bản tham khảo của láng giềng

Thật khó có thể hình dung miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiệt hại đến chừng nào nếu có một trận siêu bão như HaiYan mới càn quét qua Philippines. Nếu tìm một kịch bản bão lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ cần tham khảo trận bão đáng nhớ ngày 2.5.2008 có tên Nargis, xuất phát từ vịnh Bengal đổ bộ trực tiếp vào vùng đồng bằng thấp của con sông Irrawaddy của Myanmar. Và đến ngày 4.5.2008 cơn bão thực sự đến thành phố lớn nhất nước là Yangon. Trận cuồng phong với sức gió 170 – 180km/h, kèm sóng triều dâng cao làm ngập lụt và sạt đổ đất nhiều nơi. Số người chết, theo một số chuyên gia quốc tế, có thể hơn 100.000 và hàng trăm ngàn người bị thương, trên 1 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.

Địa hình, địa mạo và đặc điểm tự nhiên của vùng đồng bằng Irrawaddy của Myanmar và Nam bộ có nhiều điểm tương tự: thấp và phẳng, sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản lớn nhất nước, mật độ dân nông thôn khá cao, nhà cửa rất sơ sài, phương tiện giao thông hạn chế và người dân ít có ý thức phòng chống thiên tai…

Cho dù chính quyền Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó với bão, nhưng với kịch bản tương tự cho một trận siêu bão đến Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính thiệt hại nhân mạng ít nhất cũng 15.000 – 20.000 người, trên 95% nhà cửa vùng nông thôn sẽ bị tàn phá, 50 – 65% các công trình hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại về giá trị kinh tế, môi trường và xã hội ước chừng 5 – 10% GDP cả nước.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Philippines… đã có chương trình giáo dục lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và kỹ năng ứng phó với thảm hoạ cho học sinh các cấp. Đối với một quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai như Việt Nam, việc tăng cường nhận thức và đầu tư phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thảm họa cho người dân và cấp chính quyền địa phương phải là một chiến lược dài hạn thực sự. Nếu không, tất cả các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cải tiến chất lượng cuộc sống, nỗ lực nâng cao điều kiện hưởng thụ vật chất và tinh thần cho toàn xã hội trong nhiều năm liền có thể bị mất đi do thảm hoạ thiên nhiên, thậm chí sẽ đẩy cái nghèo của đa số người dân trở nên tồi tệ hơn, chỉ sau một trận siêu bão.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ 

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ: 

Sự ngấp nghé của bão 13, 14 vừa qua cho thấy, trong tương lai thiên tai không chừa bất cứ nơi nào. Những cơn bão lớn, bão trái mùa đã xảy ra rồi và ngày càng nhiều. Khả năng xảy ra những tàn phá do bão, thiên tai với miền Nam ngày càng tăng. Thiên tai khó lường bao nhiêu thì phải chủ động phòng tránh, ứng phó chứ không thể để khi có công văn, chỉ đạo mới chạy tán loạn. Việc giáo dục sẽ làm thay đổi cách nghĩ, thói quen phòng tránh bão không chỉ trong nhà trường mà cả người dân.

Cần chuẩn bị tâm lý sống chung với bão, lũ. Mỗi người nên ý thức thiên tai không chừa ai, nếu xảy ra thì chỉ mình mới cứu nổi mình.

Trung Dũng ghi