Myanmar nhận hỗ trợ từ Trung Quốc cho các dự án hợp tác sông Mê Kông

Hôm qua, Myanmar đã nhận nguồn tài trợ từ Trung Quốc cho 21 dự án trong khuôn khổ Quỹ Đặc biệt Lan Thương-Mê Kông (LMC).

Sông Mê Kông đoạn giáp giữa Thái Lan và Lào chụp từ tỉnh Nong Khai (Thái Lan)  ngày 29 tháng 10 năm 2019. Ảnh: Xinhua

Theo các phương tiện truyền thông, một thỏa thuận về việc chuyển giao nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh đã được Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Wunna Maung Lwin và Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai ký kết.

Các dự án hợp tác trong khuôn khổ quỹ này bao gồm các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nguồn nhân lực, sản xuất vacxin phòng bệnh trên động vật, văn hóa, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, thương mại biên giới, du lịch và tài chính.

Tại buổi lễ ký kết, ông U Wunna Maung Lwin cam kết Myanmar sẽ nỗ lực hết sức vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của các nước thuộc khối LMC, đồng thời các dự án đã được phê duyệt sẽ được triển khai kịp thời và hiệu quả.

Theo thông cáo từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, Quỹ Đặc biệt LMC đến nay đã hỗ trợ tổng cộng 73 dự án tại quốc gia Đông Nam Á.

Sông Mê Kông được Trung Quốc gọi là Lan Thương (Lancang) là một trong những con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải rồi chảy qua Vân Nam, sau đó đi qua các nước vùng hạ lưu gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Bắc Kinh đã khởi xướng Quỹ đặc biệt LMC ngay tại cuộc họp lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo LMC vào tháng 3 năm 2016 tại Tam Á, đảo Hải Nam (đúng vào thời điểm mà vấn đề an ninh nguồn nước trở nên nóng bỏng, cấp thiết), với mục đích hỗ trợ các dự án hợp tác vừa và nhỏ do sáu nước thuộc lưu vực Lan Thương-Mê Kông đưa ra. Sáu quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.

Sự kiện đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mê Kông với sự phát triển của tiểu vùng và cuộc sống của người dân. Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên 3 trụ cột gồm: chính trị và an ninh; kinh tế và phát triển bền vững và  xã hội, văn hóa và giao lưu con người với 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Hà Dương (CND; TH)