Nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với BĐKH

ThienNhien.Net – Sáng ngày 31/10, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với Biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng chủ trì hội thảo.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên thế giới và ở nước ta, thông qua các hiện tượng nhiệt độ tăng, nước biển dâng và kèm theo là thiên tai và các yếu tố thời tiết cực đoan. Việt Nam 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo kịch bản của BĐKH và tác động của BĐKH tới ĐBSCL, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

Gần 3,5% dân số thuộc các tỉnh ĐBSCL, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đề tài nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với Biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trong 2 năm (2012-2013).

Với mục tiêu là nghiên cứu đánh giá những ảnh hưởng của BĐKH tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu xây dựng được bộ tiêu chí xây dựng làng sinh thái ứng phó với BĐKH, nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái sử dụng năng lượng sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Tại Hội thảo, T.S Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường đã trình bày về bộ tiêu chí làng sinh thái với BĐKH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, làng sinh thái là mô hình sống bền vững, hình thành bởi cộng đồng dân cư sống ở các vùng ngoại ô, nông thôn qua đó giảm các tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường.

Và cần đảm bảo các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí: văn hóa địa phương, di sản lịch sử cần được bảo vệ, tất cả các nguồn tài nguyên phải được tái chế và tái sử dụng, giữ cho năng lượng chất thải phát sinh ở mức thấp nhất, tiêu thụ nước được giảm xuống trongkhi đảm bảo phân phối bình đẳng nước sạch cho các dân cư và hộ gia đình, mô hình tiêu thụ năng lượng của làng được giảm bằng cách sử dụng công nghệ năng lượng có hiệu quả, không gian xanh để giải trí là không thể thiếu đối với sức khỏe con người…

Có 8 tiêu chí được xây dựng cho làng sinh thái gồm: Cấp nước (cung cấp nước đầy đủ an toàn cho các gia đình trong làng sinh thái), Xử lý nước thải (có hệ thống bể xử lý nước thải sinh hoạt phân tán cho từng hộ gia đình), Xử lý chất thải rắn (đảm bảo việc lưu trữ tạm thời có hiệu quả, phân loại và thu gom chất thải rắn), Giao thông (đảm bảo nhu cầu đi lại), Chiếu sáng (sử dụng nguồn năng lượng sạch), Năng lượng (sử dụng năng lượng sạch), Cây xanh (đảm bảo không gian mở trong làng sinh thái được phủ đầy cây xanh), Nhà sinh hoạt cộng đồng (đảm bảo có đủ chỗ cho người dân sinh hoạt, sàn nhà cao hơn mực nước biển dâng cao nhất theo kịch bản phát thải).

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các tham luận về mô hình thiết kế làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng cho khu vực ĐBSCL và đánh giá xây dựng thí điểm sử dụng năng lượng sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL.