ĐBSCL xây dựng hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Theo Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện dự án phát triển thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2 đang được thực hiện thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Theo đó, việc xây dựng hệ thống thủy lợi sẽ phục vụ đa mục tiêu (kiểm soát mặn, điều tiết nước, ngọt hóa và cấp nước sinh hoạt đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) gắn với phát triển giao thông nông thôn để phát huy hiệu quả đồng bộ. Cao trình xây dựng của các công trình phải có khả năng ngăn được nước biển dâng.

Song song đó, các tỉnh tiếp tục xây dựng, nâng cấp các cụm, tuyến dân cư, bảo vệ các đô thị vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông đồng thời hạn chế lũ tràn từ biên giới Tây Nam vào ĐBSCL bằng cách cho thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười); tận dụng khả năng trữ lũ, làm chậm lũ bằng hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ; nâng cấp, xây dựng mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho toàn vùng; thực hiện các giải pháp phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa: mdec.vn
Ảnh minh họa: mdec.vn

Đối với hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thuỷ sản, ưu tiên hoàn thiện các công trình bảo đảm cấp thoát nước, kiểm soát mặn xâm nhập, trữ nước ngọt. Trong đó, xây dựng hệ thống thuỷ lợi vừa có thể lấy nước ngọt trồng lúa vừa có thể lấy nước mặn để nuôi tôm (ở vùng tiếp giáp mặn-ngọt). Xây dựng hệ thống thuỷ lợi vùng nước lợ bảo đảm lấy đủ nước mặn phục vụ nuôi thuỷ sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước, tiêu úng trong mùa mưa. Hệ thống thuỷ lợi ở vùng nước mặn cần có thêm đê biển, đê cửa sông, công trình dưới đê bảo đảm an toàn cho vùng nuôi ven biển, tránh thiệt hại do triệu cường, sóng biển, bão.

Theo dự báo của các nhà khoa học, đến cuối thế kỷ 21, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Sẽ có từ 15.000 – 20.000 km2 đất thấp ven biển bị ngập hoàn toàn. Lưu lượng nước sông Mê kông giảm từ 2 – 24% trong mùa khô, tăng từ 7 – 15% vào mùa lũ. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nước lũ sẽ cao hơn tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang; thời gian ngập lũ tại đây sẽ kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn; suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh ven biển, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Nước ngọt cũng sẽ khan hiếm.