Đập thủy điện ở Mỹ: Xây ồ ạt, dỡ hàng loạt

ThienNhien.Net – Từng tự hào là quốc gia sở hữu nhiều đập thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, ngày nay chính quyền Mỹ đang phải trả giá vì những sai lầm của một kỷ nguyên xây đập ồ ạt bằng việc tháo dỡ hàng loạt các con đập xuống cấp, kém hiệu quả hoặc gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái. Bài viết dưới đây của tác giả Caroline Fraser trên trang Yale Environment 360 về dự án tháo dỡ đập lớn nhất thế giới trên sông Elwha, bang Washington (Mỹ) sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề này.

Chỉ tính riêng 2 thập kỷ qua đã có trên 500 đập ở Mỹ, đa phần là đập nhỏ, bị tháo dỡ. Đến năm 2020, 70% trên tổng số 84.000 con đập ở Mỹ sẽ đạt tuổi thọ trên 50 năm, nhiều đập trong số đó sẽ cần phải bảo trì, phá bỏ hoặc thay thế. Gần 4.400 đập sẽ không còn hiệu quả và Hiệp hội Giới chức An toàn Đập ước tính sẽ phải mất 21 tỷ USD cho hoạt động bảo trì, sửa chữa.

Hoạt động tháo dỡ hai con đập Elwha và Glines Canyon trên sông Elwha gần như đã khép lại một trong những dự án phục hồi hệ sinh thái tham vọng nhất của Mỹ. Đây cũng chính là động thái cho thấy chính quyền Mỹ đang nỗ lực phục hồi sông Elwha – một trong những dòng sông dồi dào nguồn cá hồi ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương.

Trước đây, khi chưa có đập, sông Elwha vốn là kho tài nguyên giàu có của khu vực tây bắc nước Mỹ, song sự xuất hiện của những con đập ngăn dòng đã nhanh chóng phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông.

Mặc dù Luật liên bang năm 1890 yêu cầu các nhà xây đập phải thiết kế đường đi dành riêng cho cá nhưng quy định này vẫn bị các nhà xây đập phớt lờ. Kết quả là con đập đầu tiên mang tên sông đã ra đời mà không có cầu thang cá, rồi theo đó là nhiều con đập khác đã chặn dòng mà không tạo đường di cư cho cá, không có bãi đẻ trứng thay thế cho cá khiến nhiều loài cá quý bị suy giảm mạnh về số lượng.

Hai con đập Elwha và Glines Canyon một thời đã từng chặn đứng dòng chảy phù sa về phía hạ nguồn sông Elwha. Ngoài ra, nước ấm từ các hồ chứa Mills và hồ Aldwell xả xuống đã làm nhiệt độ nước phía hạ nguồn tăng lên, gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của các loài, từ những loài đứng đầu trong chuỗi như gấu đen, đại bàng, chim ưng cho tới ếch nhái, côn trùng. Đặc biệt, hai con đập này từng đẩy các giống cá hồi bản địa, trong đó có cá hồi vua, cá hồi lưng gù và cá hồi chó, vào nguy cơ tuyệt chủng.

Sau nhiều năm các cộng đồng và các nhóm bảo tồn kiên trì đấu tranh loại bỏ đập, năm 1992, Quốc hội Mỹ quyết định thông qua đạo luật phục hồi sông Elwha. Bộ Nội vụ được trao quyền mua các con đập với giá 29,5 triệu USD và nếu cần để cứu sự sống của loài cá hồi đang bị đe dọa thì hoàn toàn có thể phá dỡ chúng.

Việc tháo dỡ hai con đập Elwha và Glines Canyon được coi là một thử nghiệm khoa học giá trị nhằm khôi phục một lưu vực toàn vẹn, đưa cá hồi, dương tía và rái cá quay trở lại sông Elwha. Con đập Elwha – ra đời cách đây 1 thế kỷ đã hoàn thành tháo dỡ trong năm 2011 – 2012, còn hoạt động tháo dỡ đập Glines Canyon hiện vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Hoạt động tháo dỡ đập Elwha bắt đầu từ cuối năm 2011 và nhanh chóng hoàn thành trong năm 2012 (Ảnh: Mark Johnson/National Geographic)
Hoạt động tháo dỡ đập Elwha bắt đầu từ cuối năm 2011 và nhanh chóng hoàn thành trong năm 2012 (Ảnh: Mark Johnson/National Geographic)

Tuy nhiên, một thách thức lớn mà Cục Vườn Quốc gia Hoa Kỳ (NPS) – cơ quan chủ trì dự án này – phải đối mặt là khó khăn trong việc xử lý hàng chục triệu khối trầm tích tồn ứ đằng sau những con đập. Năm 2010, các nhà thủy văn dự đoán có khoảng 24 triệu khối trầm tích tồn ứ, song con số đo được năm 2012 đã lên tới 34 triệu khối. Khi lượng trầm tích tăng, chi phí dự án Elwha từ 182 triệu USD năm 2004 tính đến nay đã tăng lên hơn 325 triệu USD. Tiến trình kiểm soát trầm tích sau con đập Glines Canyon còn khó khăn hơn nhiều vì hiện còn tới 28 triệu khối trầm tích đang án ngữ 15 m cuối cùng của đập.

Mặc dù việc tháo dỡ chưa hoàn tất, song dòng chảy của sông Elwha đã trở nên thông thoáng hơn, những đàn cá hồi trong giai thoại của một số bộ tộc người Mỹ bản địa ở tây bắc Thái Bình Dương đã bắt đầu quay về đẻ trứng tại nơi cư trú của tổ tiên chúng cách đây hơn 1 thế kỷ, cây cỏ đã mọc đầy những vỉa đất cao hình thành sau khi hồ Mills và Aldwell xả hết nước. Điều này phần nào cho thấy giấc mơ đưa cá hồi về tắm dưới bóng râm của những hàng linh sam, tuyết tùng và những đám dương xỉ nguyên thủy bên các dòng chảy mà phần nhiều còn nguyên vẹn của sông Elwha sắp trở thành hiện thực.

Chưa kể, hơn 2,8 km rừng dọc sông Elwha sẽ được tái tạo với khoảng 400 loài bản địa, từ thông Douglas đến cỏ và các lớp phủ thực vật. Trong năm tới đây, người ta sẽ tiến hành trồng hơn 100.000 trên tổng số 400.000 cây giống con. Tuy mầm xanh đã trở về hai bên bờ Elwha nhưng theo ông Joshua Chenoweth, người đứng đầu nhóm tại tạo rừng cho Elwha, thì “vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về triển vọng lâu dài của thảm thực vật trên những mảnh đất khô cằn và nghèo dinh dưỡng này”.