Bài học phát triển thủy điện ồ ạt ở Mỹ

ThienNhien.Net – Những người ủng hộ thủy điện ở châu Á và nhiều nơi khác thường lấy Hoa Kỳ làm ví dụ để xoa dịu làn sóng phản đối đập.Tuy nhiên, bản thân Hoa Kỳ cũng đang phải bỏ thời gian và tiền bạc ra sửa chữa sai lầm của chính mình trong suốt một kỷ nguyên ồ ạt xây đập.

“Đừng đi theo vết xe đổ của chúng tôi”

Cách đây không lâu, ông Viraphone Viravong, Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, từng dùng lý lẽ “nếu tất cả những con đập trên thế giới đều có hại thì sao người ta không phá bỏ chúng?” để biện minh cho kế hoạch xây những con đập gây tranh cãi của Lào. Còn trong một nỗ lực đáp lại những chỉ trích đối với các kế hoạch xây đập phía tây nam Trung Quốc, ông Zhang Boting, Phó Tổng thư ký Hội Kỹ sư Thủy điện Trung Quốc, cũng mượn trường hợp của Hoa Kỳ nhằm chỉ ra rằng dòng thác đập là một thực tế chung và dẫn chứng riêng sông Tennessee (Mỹ) đã có tới 70 đập thủy điện.

Trong khi đó, bản thân Hoa Kỳ suốt một kỷ nguyên dài xây dựng đập đã đúc rút được nhiều bài học xương máu. Không thể phủ nhận rằng nhiều dự án đập đã mang lại cho Hoa Kỳ nguồn năng lượng dồi dào, giá trị, giúp kiểm soát lũ và tạo điều kiện thuận lợi cho tưới tiêu, nhưng rõ ràng những người ủng hộ đập bên ngoài nước Mỹ thường chỉ nhìn vào lợi ích của chúng chứ chưa để ý đến việc Hoa Kỳ phải đổ bao nhiêu tiền của và công sức vào việc khắc phục thiệt hại từ những công trình kém hiệu quả.

Theo thống kê, năm 2011, Hoa Kỳ đã phá bỏ con đập thứ 1.000 và chỉ tính riêng thập kỷ trước đó, số đập bị phá bỏ đã lên tới con số 430. Dù hoạt động tháo dỡ tiêu tốn rất nhiều tiền của, song Chính phủ và các nhà lãnh đạo môi trường nước này vẫn nhất quyết tiến hành để tránh những thiệt hại về sau.

Trải qua bài học đau thương ồ ạt xây đập, các nhà khoa học, nhà môi trường học và quan chức Chính phủ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia bắt đầu thử nghiệm xây dựng hệ thống thủy điện quy mô lớn rằng đừng bao giờ lặp lại những sai lầm của họ và điều này cũng được Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chia sẻ tại cuộc gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao khu vực Mê Kông hồi tháng 7 năm ngoái.

Đập ở Hoa Kỳ và những hệ lụy

Hoa Kỳ là nước sở hữu nhiều đập thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo khảo sát của Công binh Lục quân Hoa Kỳ (USACE), trên toàn nước Mỹ có khoảng 79.000 con đập chưa kể các dự án nhỏ không được liệt vào danh sách. Khoảng 2.500 đập trong số đó là đập thủy điện.

Suốt nhiều thập niên kể từ năm 1908, khi Cố Tổng thống Theodore Roosevelt kêu gọi khai thác triệt để mọi dòng chảy, Hoa Kỳ đã lao vào công cuộc xây dựng đập, tạo ra những “vách ngăn” trên hầu hết các con sông lớn và biến thế kỷ XX trở thành kỷ nguyên vàng của ngành xây đập.

Kỷ nguyên này đã sản sinh ra hai đập thủy điện tầm cỡ nhất hiện vẫn là nguồn thủy điện lớn nhất ở Hoa Kỳ, đó là đập Hoover hoàn thành năm 1936 trên sông Colorado và đập Grand Coulee hoàn thành năm 1942 trên sông Columbia.

Tuy nhiên, từ những năm 1960, hoạt động xây đập bị chững lại. Sự ra đời của một loạt công cụ pháp lý liên bang như Đạo luật Động vật Hoang dã và Sông ngòi năm 1968, Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia năm 1969… đã buộc các nhà phát triển đập phải tính đến các lợi ích về mặt sinh thái của sông ngòi trước khi triển khai công trình. Ngoài ra, Chính phủ Hoa Kỳ cũng cố gắng xoa dịu một bộ phận người dân không đồng tình với mức chi phí đắt đỏ của đập và ngày càng quan tâm tới bảo vệ môi trường.

Cho đến nửa đầu những năm 1900, nhìn lại tiến trình dài đầu tư xây đập, Hoa Kỳ mới nhận ra rằng họ đã xây dựng đập trên hầu hết các con sông lớn với nguồn chi phí khổng lồ. Đập biến sông thành các hồ chứa và kéo theo vô số hệ lụy đối với hệ sinh thái. Những thay đổi trong mô hình bồi lắng có thể tác động tiêu cực xa hàng nghìn dặm ở cả hai bên đập. Hay chỉ cần nhiệt độ thay đổi một chút thôi cũng có thể phá hủy toàn bộ hệ sinh thái. Hoặc nếu đường di cư của cá bị chặn lại không chỉ đưa loài này đến nhiều nguy cơ lớn, mà còn ảnh hưởng tới những cộng đồng sống phụ thuộc vào chúng.

Giai thoại của một số bộ tộc người Mỹ bản địa ở tây bắc Thái Bình Dương kể rằng cá hồi sông Elwha từng cực kỳ đông đúc đến mức con người có thể đi bộ qua sông trên chiếc cầu cá. Nhưng kể từ đầu thế kỷ XX, khi những con đập được xây lên, dòng sông này đã mất đi chừng 90% lượng cá hồi vốn có.

Bên cạnh những hệ lụy đối với môi trường và hệ sinh thái, việc duy trì tuổi thọ của những đập lớn như đập Hoover hết sức tốn kém và khi thời gian qua đi, ngày càng khó có thể xác định liên bang, bang hay chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng duy tu con đập.

Tháo dỡ đập Whitesburg trên sông Chagrin, bang Ohio, Hoa Kỳ (Ảnh: UWEC.edu)
Tháo dỡ đập Whitesburg trên sông Chagrin, bang Ohio, Hoa Kỳ (Ảnh: UWEC.edu)

Nếu thế kỷ trước là kỷ nguyên vàng của ngành xây đập thì khoảng thời gian đầu thế kỷ XXI lại là thời kỳ vàng của việc tháo dỡ, phá bỏ các con đập kém hiệu quả, gây nhiều tác động. Ở Hoa Kỳ, xu hướng này bắt đầu từ đập Edwards trên sông Kennebec, phía đông bắc bang Maine. Con đập được xây dựng năm 1837 vì mục đích thủy điện và hàng hải này đã biến một vùng trù phú, tươi tốt thành một cụm công nghiệp ô nhiễm. Sau một thập kỷ đấu tranh, năm 1999, đập Edwards đã bị phá bỏ và sông Kennebec được phục hồi thành công.

Đến tháng 9/2011, Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư 325 triệu USD vào kế hoạch đầy tham vọng: tháo dỡ các đập thủy điện Glines Canyon trên sông Elwha để con sông này có thể tự do tuôn chảy sau hơn 100 năm bị ngăn dòng.

Hướng tới kỷ nguyên đập “thông minh” hơn

Đến nay, chưa từng có ai đề xuất loại bỏ tất cả những con đập trên lãnh thổ Hoa Kỳ bởi thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn thứ hai tại quốc gia này chỉ sau sinh khối.

Thay vì tìm kiếm những địa điểm mới để xây đập, Cục Khai hoang Hoa Kỳ đang tìm cách khai thác thủy điện hiệu quả hơn từ chính những con đập đang tồn tại. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cũng giúp các kỹ sư xây được những con đập thông minh hơn so với những “sản phẩm” của thế kỷ XX. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ những lần xây đập trước, các kỹ sư cũng đã tỏ ra thận trọng hơn trong việc chọn địa điểm xây đập.

Trước làn sóng đầu tư vào đập thủy điện đang nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Brazil, ông Rupak Thapaliya thuộc Liên minh Cải cách Thủy điện theo khuynh hướng bảo tồn khuyến nghị: “Các quốc gia hiện đang cân nhắc xây những đập mới để khai thác thủy điện nên xem xét một cách cẩn thận sức phá hủy của chúng đối với môi trường và sinh kế con người”.

Ông còn lưu ý rằng mặc dù có thể mục tiêu của nhiều chính phủ là tốt nhưng hành động của họ không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở khoa học, trong khi điều này hết sức quan trọng và cần thiết.

Ngày nay, khi khoa học đã sang trang, các nhà hoạch định và đầu tư rõ ràng nên cân nhắc việc xây những con đập ít tác động và cộng hưởng được nhiều lợi ích hơn đối với cả thiên nhiên và đời sống con người.