Nguyên tắc trồng rừng thay thế cần được thực hiện hiệu quả

ThienNhien.Net – Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khi chuyển đổi mục đích đất trồng rừng sang mục đích khác thì phải trồng thay thế. Nhưng kết quả rà soát việc đầu tư, xây dựng, vận hành thủy điện cho thấy, hiện chỉ có 2% diện tích rừng được trồng thay thế trong tổng số 50.930ha đất rừng đã được sử dụng cho các dự án thủy điện.

Theo Báo cáo kết quả rà soát việc đầu tư, xây dựng, vận hành thủy điện của Chính phủ trình tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH vừa qua, việc trồng hoàn trả rừng ở các dự án thủy điện đã được quan tâm. Thực tế, một số địa phương hoặc dự án thủy điện thực hiện trồng hoặc lập phương án trồng rừng. Ví dụ, tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ sông Đà để quản lý trên 80.000ha rừng phòng hộ, hàng năm được giao kế hoạch trồng mới rừng và phối hợp với các xã rà soát quỹ đất, chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, cây giống để trồng rừng.

Các nhà máy thủy điện Tuyên Quang và Thác Bà đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Đề án bảo vệ môi trường (trong đó có công tác trồng hoàn trả rừng) và đang hoàn thiện, trình duyệt trong năm 2013 để thực hiện. Tỉnh Lào Cai đã thực hiện trồng thay thế toàn bộ diện tích đất rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện (215,91 ha) bằng nguồn tiền bồi thường rừng của chủ đầu tư dự án (tạm thu 15 triệu đồng/ha) kết hợp với ngân sách bảo vệ rừng và trồng rừng hàng năm của tỉnh.

Nhưng có thể thấy, diện tích rừng trồng thay thế vẫn thấp so với yêu cầu. Theo số liệu của Bộ NN và PTNT, trong giai đoạn từ 2006 – 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792ha. Trong khi đó, chỉ tính riêng 37 dự án thủy điện công suất lớn hơn 60 MW của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã sử dụng gần 37.000ha đất rừng. Diện tích rừng trồng thay thế còn thấp so với yêu cầu được lý giải do quỹ đất để trồng rất hạn chế. Mặt khác, tại một số địa phương, tuy đã có chủ trương nhưng việc thực hiện còn lúng túng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất thực hiện trồng rừng về loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ; về đơn giá trồng rừng đối với trường hợp chủ đầu tư dự án không trực tiếp trồng rừng thay thế…

Người dân trồng rừng (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Người dân trồng rừng (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, diện tích rừng trồng thay thế còn thấp có nguyên nhân chính là do không được hướng dẫn kịp thời về việc bố trí trồng rừng tại địa phương; nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất trồng rừng thay thế…

Thực tế, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành năm 2005, Nghị định số 23 của Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được ban hành năm 2006, nhưng đến tháng 5.2013, Bộ NN và PTNT mới ban hành Thông tư số 24 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nhưng liệu ban hành văn bản hướng dẫn có thể giúp thực hiện yêu cầu về trồng lại rừng của các dự án thủy điện hay không? Câu trả lời có lẽ là chưa thể vì hiện đã có hơn 50.000 ha đất rừng được sử dụng cho thủy điện. Trong khi đó, với quy mô dân số lớn như hiện nay, nhu cầu về đất canh tác của người dân chắc chắn sẽ không nhỏ nên rất khó bố trí đủ diện tích đất để thực hiện công tác này.

Một thực tế khác được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ ra là có tình trạng lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn nhiều so với yêu cầu hay để khai thác khoáng sản trái phép. Trong khi đó, dường như do lợi ích từ khai thác rừng, khoáng sản trái phép không nhỏ mới là lý do chính để chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng thủy điện. Giá mua điện của các thủy điện thường rất thấp, chỉ vài trăm đồng/kWh và còn phụ thuộc vào Công ty mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nói cách khác nguồn thu từ bán điện không lớn và không ổn định. Vì thế, câu hỏi tại sao các dự án thủy điện thu hút được nhà đầu tư đã rất dễ trả lời hay sao? Song tình trạng này chưa được báo cáo của Chính phủ phản ánh cụ thể.

Tác hại của việc suy giảm rừng nhanh chóng đã rõ và sẽ càng nguy hiểm hơn trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nước ta. Vì thế, báo cáo của Chính phủ với QH cần trình bày rõ thực trạng lợi dụng xây dựng thủy điện để khai thác rừng, khoáng sản trái phép. Và hơn cả, điều cần nhất hiện nay là phải thấy rõ những giải pháp để thực hiện hiệu quả nguyên tắc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Cơ chế, chính sách hay biện pháp kỹ thuật là điều Chính phủ cần phải báo cáo rõ với QH tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.