Phát hiện loài thực vật mới ở Khánh Hoà

ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa do Sở Tài nguyên & Môi trường Khánh Hòa chủ trì, tháng 5/2012, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Sinh Thái học Miền Nam (SIE), trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Khánh Hòa (Chi cục Lâm nghiệp và Khu BTTN Hòn Bà) phát hiện loài thực vật mới của Việt Nam và Thế giới dựa trên mẫu của 2 cá thể đực (MS. KH130 và KH131) của một loài thuộc chi Arisaema chưa từng được biết đến.

Sau khi phân tích và đối chiếu với các tư liệu có liên quan và theo khóa phân loại của chi ráy Ariseama, tìm ra được các đặc điểm hình thái khác biệt so với các loài đã mô tả trước đây, các chuyên gia thực vật học đã khẳng định đây là một loài mới trong hệ thực vật của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Folia malaysiana Vol.14(1) 2013.

Chi Ráy Arisaema thường đươc gọi là “Cobra Lilies” tại Bắc Mỹ do hoa tự của nó là một cái bông mo có dạng vòm trông giống với đầu rắn hổ mang (Cobra). Chi này gồm khoảng 150-200 loài và dưới loài (subspecies), phân bố chủ yếu ở châu Á, ngoài ra còn phân bố ở Bắc Mỹ và Đông Bắc châu Phi. Tại Việt Nam, theo Phạm Hoàng Hộ (Cây cỏ Việt Nam, 2000) chi Arisaema có 5 loài, nhưng sau đó đã được Gusman, G. & L. Gusman (2006) ghi nhận bổ sung lên đến 10 loài.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Dự (Nguyen, 1998 & 2000 và Nguyen & Boyce, 2005) đã công bố thêm 4 loài mới, đồng thời ghi nhận 7 loài khác có phân bố mới tại Việt Nam. Tổng hợp lại đến nay đã có 18 loài thuộc chi Arisaema được tìm thấy trong hệ thực vật của Việt Nam. Nhiều loài cây thuộc chi Ráy có hình thái đẹp, là cây chịu bóng dưới tán rừng, rất thích hợp để trồng làm cây cảnh trong nhà, một vài loài khác còn có giá trị về mặt dược liệu.

Hình thái chung của loài Nam tinh Hòn Bà (Ảnh: TS.Lưu Hồng Trường)
Hình thái chung của loài Nam tinh Hòn Bà (Ảnh: TS. Lưu Hồng Trường)

Đặc điểm hình thái loài Nam tinh Hòn Bà

Là địa thực vật có củ, đường kính khoảng 2cm. Cây thân thảo, rụng lá theo mùa, gồm 1-2 lá. Thân giả cao 15-22 cm, lá xẻ 3 thùy và có màu xanh đậm.

Hoa đơn tính khác gốc, dạng bông mo (spadix), mo hình vòm, cuốn lại ở gốc tạo thành ống. Tại thời điểm tháng 5/2012 các chuyên gia mới chỉ thu được bông đực, không tìm thấy bông cái và quả.

Loài này rất gần với loài A. siamicum do phần phụ của bông mo có dạng thức giống nhau, phiến mo cùng màu xanh đậm; nhưng khác biệt ở các sọc màu xanh đậm dọc theo chiều dài ống và phía đỉnh của buồng đực (bông đực) có các tia sợi uốn cong (dạng bàn chải) màu đỏ thẫm. Gần đây, tháng 6/2013, thạc sĩ Nguyễn Lê Xuân Bách, phó phòng thực vật của Viện Sinh thái học Miền Nam, đã thu tiếp được mẫu bông cái tại khu vực Giang Ly (thuộc VQG Bidoup Núi Bà – Lâm Đồng), như vậy loài này có phân bố rộng hơn không chỉ tại Khánh Hòa.

Cây Nam tinh Hòn Bà mọc thích hợp trên đất mùn đen ẩm, tơi xốp, trên đá mẹ granite; trong rừng nguyên sinh kín thường xanh á nhiệt đới núi trung bình, phân bố ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Thảm thực vật phong phú và đa dạng với tầng cây gỗ gồm các loài phổ biến như: Giổi Trung bộ (Magnolia annamensis), Vạng trứng (Endospermum chinense), Kha thụ Nha Trang (Castanopsis nhatrangensis), Hồng quang (Rhodoleia championii), Chân chim (Schefflera lenticellata), Re (Cinnamomum cf. obtusifolium), Côm lông (Elaeocarpus limitaneus), Dồi Chevalier (Archidendron chevalieri), Thích (Acer erythranthum), Hoa chuông đỏ (Enquianthus quinqueflorus), … thảm cỏ khá dày với nhiều loài dương xỉ và quyển bá, đặc biệt là rất nhiều rêu bám vào thân cây và đá nổi. Nam tinh Hòn Bà ra hoa vào tháng 5 – 6 trong năm.

Quan sát trong rừng cho thấy cây Nam tinh Hòn Bà mọc dưới tán rừng kín ẩm thấp, phân bố rất thưa và hiếm gặp, do chịu sự cạnh tranh rất mạnh của các loài khác trong thảm cỏ.

Cụm hoa của loài Nam tinh Hòn Bà (Ảnh: TS.Lưu Hồng Trường)
Cụm hoa của loài Nam tinh Hòn Bà (Ảnh: TS. Lưu Hồng Trường)

Việc phát hiện ra loài thực vật mới Nam tinh Hòn Bà góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học rừng Hòn Bà. Trong vài năm gần đây, khu BTTN Hòn Bà tỉnh Khánh Hòa đã thu hút nhiều đoàn nghiên cứu cả trong và ngoài nước, qua đó đã phát hiện và công bố được 5 loài mới (new species), gồm các loài như Dillenia tetrapetala, Argostemma glabra, Cordiglottis longipedicellata, Vanilla atropogon, Aspidistra trươngii, ngoài ra còn nhiều loài khác lạ đang được tiếp tục thu mẫu, giám định.

Khu BTTN Hòn Bà là một vùng rừng núi cao giáp ranh với VQG BiDoup Núi Bà – Lâm Đồng, một nơi rất giàu có về tính đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, và chứa nhiều điều bí ẩn. Nơi đây cần được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ địa phương cho đến Bộ ngành để có thể sớm nâng cấp trở thành Vườn Quốc gia, điều này sẽ giúp cho công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học rừng ngày càng bền vững.

TS. Vũ Ngọc Long, Viện Trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam

Trần Giỏi, Chi cục Lâm Nghiệp Khánh Hòa

Xử lý tin: Thanh Hà