Khắc phục bất cập từ thực thi Luật Bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan quản lí, doanh nghiệp về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến góp ý cho rằng, dự án Luật cần khắc phục được những bất cập trong thực thi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.

Ảnh minh họa: tinmoitruong.vn
Ảnh minh họa: tinmoitruong.vn

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, các đại biểu cần góp ý đến những bất cập từ việc thực thi của Luật Bảo vệ môi trường. Bởi vì trên thực tế, việc xử lí đối với các chủ thể vi phạm về môi trường còn nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, việc nhà máy dệt gây ô nhiễm ở đầu nguồn nước sinh hoạt của dân thì xử lí những đơn vị nào, trong luật phải quy định rõ.

Các ý kiến góp ý của các đại biểu đều cho rằng, một số quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống. Việc giao cho nhiều bộ ngành cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước về môi trường trong khi chưa xác định được nguyên tắc tổ chức bộ máy thống nhất để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành dẫn đến sự phối hợp không nhất quán, nảy sinh nhiều cơ quan đầu mối thống nhất giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lí Nhà nước về môi trường.

Về chế tài xử phạt, các đại biểu cho rằng cần có chế tài hữu hiệu về xử lí vi phạm môi trường mới đảm bảo thực thi nghiêm minh. Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 9, TP.HCM cho rằng, các nghị định hướng dẫn thực hiện luật phải khả thi. Hiện nay, đối với hành vi vi phạm về chất thải rắn có mức xử phạt tới trên 100 triệu đồng, nhưng lại không quy định rõ về mức độ vi phạm, khiến cho công tác xử phạt chưa thống nhất, nhiều trường hợp bị xử phạt “oan”.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Tài, Phó giám đốc Công ty Samco chia sẻ và đồng tình với kiến nghị nêu trên. Ông Tài cho rằng, mặc dù trong doanh ghiệp luôn quán triệt mọi người phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong sản xuất, đôi lúc anh em công nhân cũng có sự nhầm lẫn, chỉ cần bỏ nhầm một bình ắc quy, hoặc giẻ lau chùi hóa chất vào sọt rác, nếu bị cơ quan môi trường kiểm tra, phát hiện, theo quy định chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 50-100 triệu đồng. Chính vì thế, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần quy định rõ về mức độ vi phạm để tránh thiệt thòi cho những doanh nghiệp vi phạm ở mức độ nhẹ, không cố ý, đồng thời tránh được sự nhũng nhiễu của cán bộ xử lí…

Góp ý về căn cứ xác định vi phạm về môi trường, một số đại biểu cho rằng, cần phải có quy chuẩn mang tầm quốc tế về vi phạm môi trường, bởi trên thực tế có những vụ doanh nghiệp gây ô nhiễm gây mùi rất nặng, khiến người dân phải biểu tình, phản đối. Nhưng khi cơ quan kiểm tra tiến hành đo mùi hôi thì vẫn đạt trong quy chuẩn cho phép, không xử lí được. Chính vì thế, các đại biểu cho rằng nên đầu tư xứng đáng cho doanh nghiệp nhà nước chuyên về kiểm định môi trường, đồng thời các quy chuẩn về môi trường phải phù hợp với quy chuẩn quốc tế…