Nam Phi bán công khai sừng tê giác để giảm cầu: Liệu có thực thi?

ThienNhien.Net – Chính phủ Nam Phi vừa công khai ý định bán kho lưu giữ sừng tê giác (hơn 12 tấn) nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắt tê giác trắng bất hợp pháp. Về mặt logic, điều này sẽ đạt kết quả tương đối khả quan do đáp ứng nhu cầu của thị trường vốn đang đặt hàng cao, thậm chí rất cao đối với sừng tê giác. Nhưng về mặt bảo tồn, quyết định này gặp phải nhiều băn khoăn hoặc phản đối của các nhà khoa học và các chuyên gia bảo tồn.

Một bộ xương tê giác còn sót lại sau một vụ săn trộm (Ảnh: Nhân Dân)
Một bộ xương tê giác còn sót lại sau một vụ săn trộm (Ảnh: Nhân Dân)

Sức ép từ nhiều phía

Thực tế đã chứng minh tất cả khi tính từ đầu năm (2013) đến nay, số tê giác trắng bị giết hại tại Nam Phi đã đạt mốc 618 cá thể (trong đó số bị giết hại ở Vườn quốc gia Kruger là 381 cá thể). Một con số khủng khiếp so với 668 cá thể bị giết trong năm 2012 và 448 cá thể bị giết trong năm 2011 mặc dù các phương tiện truyền thông đã lên tiếng và lực lượng bảo vệ các vườn quốc gia đã được trang bị vũ khí hiện đại.

Các lực lượng thực thi Nam Phi đã thẩm vấn 191 đối tượng tình nghi, phạt và bỏ tù một số đối tượng. Mặc dù vẫn cho phép tổ chức các cuộc săn bắn tê giác trắng làm chiến lợi phẩm, song với quy định một cá nhân chỉ được phép săn bắn một lần trong năm, chắc chắn không đáp ứng nhu cầu đến từ thị trường bất hợp pháp còn lớn hơn rất nhiều lần. Báo động tăng lên khi tê giác bị giết hại nhằm thỏa mãn những niềm tin không có căn cứ của một số nước châu Á rằng sừng tê giác có thể chữa được mọi loại bệnh, kể cả những căn bệnh y học đã bó tay như ung thư. Một số cá nhân còn sẵn sàng trả giá cao cho các phương thuốc cổ truyền có sử dụng sừng tê giác và chính điều này đã tạo ra một thị trường săn bắt siêu lợi nhuận được điều hành bởi những tổ chức tội phạm tinh vi.

Với đặc điểm chung 375 km đường biên giới với Mozambique, Nam Phi còn gặp khó khăn khi khu vực giáp ranh trên thường xuyên là địa bàn thuận lợi cho các tay săn trộm từ Mozambique sang săn tê giác.

Nạn tham nhũng cũng đang gây sức ép cho lực lượng thực thi bảo vệ các loài động vật hoang dã ở Nam Phi. Một số nguồn tin cho biết nhiều nhân viên thực thi có liên quan tới hoạt động săn bắn và vận chuyển tê giác bất hợp pháp. Trong khi đó, số mẫu vật (sừng tê giác bị tịch thu sau phát hiện các hoạt động bất hợp pháp) đôi khi biến mất khi đang được tạm giữ tại các đồn cảnh sát.

Một nguyên nhân khác của nạn săn bắn bất hợp pháp ngày càng tăng lên chính là nghèo đói, điểm căn bản của các cộng đồng địa phương ở xung quanh các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên. Một báo cáo điều tra cho biết nhiều nơi ở Nam Phi, các gia đình chỉ kiếm được tối đa 30 USD/tháng. Thiếu ăn hàng ngày là điều kiện thuận lợi để người dân bản địa dễ dàng tiếp tay cho các tổ chức tội phạm.

Và những nỗ lực tuyệt vọng

Theo Bộ Nước và Môi trường Nam Phi, quần thể tê giác trắng Ceratotherium simum tại Nam Phi sẽ chấm dứt sự sống vào năm 2026 nếu nạn săn bắt tiếp tục với mức độ hiện nay. Bà Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Nước và Môi trường Nam Phi thừa nhận điều này không phải là viển vông khi tỏ ra quan ngại về số phận của quần thể tê giác trắng ở Nam Phi (chiếm 75% tê giác trắng thế giới).

Trong báo cáo gửi Chính phủ Nam Phi, chuyên gia độc lập Mavuso Msimang khẳng định: “Các dữ liệu cho thấy việc cấm buôn bán tê giác không đạt hiệu quả trong việc giảm nhu cầu về sừng mà làm suy giảm quần thể tê giác”. Chính vì vậy, Nam Phi bày tỏ quyết tâm xóa bỏ thị trường bất hợp pháp về sừng tê giác bằng quyết định bán đấu giá một phần kho lưu giữ sừng tê giác trị giá hàng tỷ USD. Với tổng khối lượng 16,4 tấn sừng tê giác, các quan chức Nam Phi tin rằng việc bán công khai sẽ làm giảm nhu cầu từ thị trường bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo đề xuất, tất cả sừng tê giác được buôn bán đều phải được đăng ký, gắn chip và có hồ sơ AND trước khi được cấp giấy chứng nhận. Chính phủ Nam Phi cũng dự định cho phép mỗi cá nhân được đi săn hai lần mỗi năm thay vì một lần như đang áp dụng. Đây là kế hoạch nằm trong đề xuất sẽ đệ trình lên Hội nghị các nước thành viên CITES vào năm 2016 với nội dung dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác đã tồn tại hơn ba thập kỷ qua. Nam Phi muốn chứng minh nỗ lực bảo tồn tê giác trắng của mình bằng cả lời nói và hành động trước khi quá muộn.

Bà Molewa cũng cho biết các cơ quan chức năng Nam Phi và Mozambique đã thống nhất cùng xây dựng lại hàng rào bảo vệ Vườn quốc gia Kruger nhằm bảo vệ tê giác ở đây trước ảnh hưởng của các vùng dân cư lân cận. Lực lượng bảo vệ Vườn quốc gia Kruger cũng được lệnh kiểm soát nghiêm ngặt, sẵn sàng bắn hạ các tay săn trộm.

Đáng lưu ý, Vườn quốc gia Kruger chính là nơi có số tê giác bị giết hại chiếm hơn 50% tổng số cá thể tê giác bị giết hại ở Nam Phi. Năm 2010, Vườn quốc gia này chịu thiệt hại sau khi 146 cá thể tê giác sinh sống ở đây bị giết hại. Con số thiệt hại này tăng lên vùn vụt: 252 cá thể (năm 2011) và 425 cá thể (năm 2012). Từ đầu năm đến nay nay, đã có 381 cá thể tê giác bị giết hại ở Vườn quốc gia Kruger.

Nằm liền kề với biên giới Mozambique, Vườn quốc gia này đang chịu sức ép nặng nề khi các tay săn trộm từ Mozambique có thể dễ dàng xâm nhập Vườn quốc gia với những công cụ hỗ trợ tối tân và hiện đại như máy bay trực thăng, súng AK47 và thông tin cập nhật. Những đối tượng này cũng ít chịu ảnh hưởng của các án phạt do luật pháp Mozambique (một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới) chưa ban hành những án phạt nặng đối với hành vi giết hại tê giác hoặc sở hữu sừng tê giác bất hợp pháp.

Cũng như nhiều quốc gia nghèo đói khác, Mozambique đang bị nạn tham nhũng xâm lấn và được cho là một điểm trung chuyển sừng tê giác đến các nước châu Á. Mặt khác, tê giác gần như đã bị tuyệt chủng ở Mozambique. Do đó, số lượng các tay săn trộm xâm nhập vào Kruger để giết hại tê giác tăng lên đáng kể.

Thất bại của cuộc chiến?

Phải chăng đây là thất bại của cuộc chiến chống săn bắn, buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã ở châu Phi? Đó là băn khoăn của nhiều chuyên gia bảo tồn trước diễn biến có chiều hướng xấu đi của số phận nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp ở Nam Phi nói riêng và nhiều quốc gia châu Phi nói chung.

Đồng quan điểm trên, Jason Bell, giám đốc khu vực miền Nam châu Phi của Quỹ quốc tế về bảo vệ quyền lợi động vật mô tả đề xuất của Nam Phi là một thử nghiệm ngây thơ. Ông cho rằng không ai có thể kiểm soát được thị trường tiêu thụ sừng tê giác nếu không nhận thức được nhu cầu tiềm tàng do “Buôn bán bất hợp pháp sẽ không đồng hành cùng nhu cầu hiện nay mà là một thị trường bất định, thúc đẩy săn bắn bất hợp pháp và từ đó nảy sinh buôn bán bất hợp pháp”.

Thị trường bất định mà Jason Bell đề cập chính bắt nguồn từ quan điểm sử dụng sừng tê giác của cả các quốc gia phương Tây và phương Đông. Ở Trung Quốc, việc sử dụng đồ mỹ nghệ với nguyên liệu là sừng tê giác bắt đầu ở thế kỷ 7 sau công nguyên. Theo thời gian, người Trung Quốc bắt đầu chế tác sừng tê giác thành chén lễ, khóa thắt lưng, chặn giấy… Theo y học cổ truyền Trung Hoa, sừng tê giác khi được nghiền và hòa vào nước sôi có tác dụng trị sốt, phong thấp, bệnh gout. Ngược sang phương Tây, tác dụng của sừng tê giác cũng đã được đề cập cách đây hàng nghìn năm. Trong thần thoại Hy Lạp, sừng tê giác được cho là có khả năng lọc sạch nước. Ở thế kỷ 5 trước công nguyên, người Ba Tư cho rằng các bình, lọ được làm từ sừng có thể phát hiện ra rượu độc thông qua hiện tượng nổi bong bóng. Cho đến ngày nay, nhiều người dân ở châu Á vẫn tin rằng sừng tê giác có thể trị được những căn bệnh hiểm nghèo.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thị trường online về sừng tê giác đã tỏ ra thách thức các lực lượng thực thi. Hoạt động giao dịch trên mạng thường rất khó kiểm soát và khiến cho việc phát hiện và truy tố những đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến đường quốc tế, chủ yếu là qua các quốc gia thường có sự kiểm soát lỏng lẻo (như Togo) được các băng nhóm tội phạm sử dụng để vận chuyển động vật hoang dã. Ở miền nam châu Phi, các đối tượng buôn lậu thường tránh sự kiểm soát gắt gao ở sân bay Johannesburg bằng cách sử dụng sân bay (thiếu vắng cảnh sát) ở Maputo, Mozambique. Ở một số quốc gia châu Phi, nạn tham nhũng đã vô tình biến một số cá nhân trong lực lượng bảo vệ các loài hoang dã thành kẻ thù của chính lực lượng này trong cuộc chiến chống săn bắn trộm.

Có thể hiểu được những băn khoăn của các nhà bảo tồn là có cơ sở khi qua từng thời điểm, Chính phủ Nam Phi đã nỗ lực ngăn chặn săn bắn tê giác bất hợp pháp bằng cả phát ngôn và hành động. Đầu tiên là chỉ cho phép săn bắn tê giác một lần trong năm đối với cá nhân là người nước ngoài đến Nam Phi. Sau đó, tổ chức tháo sừng ở một số cá thể, tuyên bố cấm săn bắn và một số trang trại tiến hành tiêm độc vào sừng tê giác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo tồn, biện pháp hữu hiệu nhất chính là chấm dứt các hoạt động săn bắn, kể cả săn bắn giải trí để bảo vệ hiệu quả tê giác. Điều này là có cơ sở khi một số nước có phân bố tê giác đã thực hiện các lệnh cấm như Kenya cấm săn bắn tê giác từ năm 1977. Gần đây, Bostwana và Zambia cũng đã thông báo kế hoạch cấm săn bắn các loài hoang dã nguy cấp.

Ngày Tê giác thế giới (22-9) đang đến gần. Quyết định cuối cùng đối với kế hoạch của Nam Phi vẫn phụ thuộc vào sự chấp thuận của các nước thành viên CITES vào năm 2016, song hy vọng về sự tồn tại của tê giác trắng liệu có bị lung lay?

Ngày 23-7, Cảnh sát CH Séc đã bắt giữ 16 người thuộc một băng nhóm đã đi săn ở Nam Phi và trở về CH Séc với chiến lợi phẩm là sừng tê giác. Số sừng tê giác này sẽ được gửi tới các nước châu Á. Cảnh sát CH Séc cho biết, số người vi phạm trên sẽ phải đối mặt với án tù 8 năm.

Giá 1 kg sừng tê giác trên thị trường đen dao động khoảng từ 50.000 đến 60.000 USD. Tổng giá trị buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã toàn cầu đạt 20 tỷ USD mỗi năm đã đe dọa sự tồn tại của nhiều loài nguy cấp, quý hiếm.

Nhiều tổ chức tội phạm đã công khai thách thức các lực lượng thực thi thông qua các hoạt động tổ chức săn bắn tê giác trắng bất hợp pháp, đồng thời thực hiện các hành vi trộm sừng tê giác ở các bảo tàng châu Âu, các cửa hàng thú nhồi bông. Theo cơ quan thi hành luật châu Âu (Europol), 72 chiếc sừng tê giác đã bị đánh cắp ở 15 nước châu Âu vào năm 2012.

Một quan chức của Bộ Nước và Môi trường Nam Phi cho biết đã có 170 cá thể tê giác trắng bị bán tại Vườn quốc gia Kruger, và lý giải điều này đem lại nguồn lợi cho vườn quốc gia cũng như bảo tồn quần thể tê giác trắng ở Nam Phi thông qua việc thiết lập quần thể tê giác ở những khu vực tư nhân. Quan chức này cũng cho biết không có cá thể tê giác đen nào bị đem bán.

Lực lượng cảnh sát Anh quốc đã tăng cường điều tra, thẩm vấn 19 đối tượng tình nghi có liên quan đến các vụ đột nhập vào các bảo tàng và nhà đấu giá lấy trộm các tác phẩm nghệ thuật có giá trị hàng triệu bảng Anh. Trong các vụ mất trộm này, một số tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc có gắn sừng tê giác đã bị biến mất sau sáu vụ trộm, gồm ba vụ ở Bảo tàng Durham, một vụ tại nhà đấu giá Gorringes ở Tây Sussex, một ở Bảo tàng Norwich Castle và một ở Bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge.