Quản lý tài nguyên nước: “Cha chung không ai khóc”!

ThienNhien.Net – Do phân chia quyền quản lý nước ra quá nhiều cơ quan nên tính kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về nước không thống nhất.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước được quy định tại Nghị định số 25/NĐ-CP năm 2008 của Chính phủ, như quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; xác định và công bố ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông…

Thực tế còn cho thấy, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước rất mờ nhạt trong việc phối hợp với các bộ, ngành khi phê duyệt quy hoạch, xây dựng hồ chứa. Đặc biệt, cơ quan này hiện không thể điều hòa, phân bổ tài nguyên nước cho các ngành, địa phương, đảm bảo hài hòa các lợi ích.

Không “ông nào” chịu “ông nào”

Để vận hành công trình thủy điện Đăk Mi 4, dòng chảy cơ bản của sông Đăk Mi về sông Vu Gia được chặn lại, chuyển sang sông Thu Bồn. Đăk Mi 4, vì vậy, có ảnh hưởng chi phối đến nguồn nước của cả hai địa phương là TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Thủy điện Đăk Mi 4 (Ảnh: Thiên Thanh/Pháp luật Việt Nam điện tử)
Thủy điện Đăk Mi 4 (Ảnh: Thiên Thanh/Pháp luật Việt Nam điện tử)

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, cả hai địa phương này đều phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Với Đà Nẵng, nhiệm vụ số 1 là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho gần 1 triệu người dân của thành phố. Trong khi đó, với Quảng Nam, nhiệm vụ số 1 là đảm bảo nước tưới cho 10.000 ha lúa của địa phương này.

Từ đó, tranh giành nguồn nước đã nổ ra gay gắt giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

TP. Đà Nẵng tuyên bố: Đăk Mi 4 không được phát điện nữa! Nước tích trữ trong hồ chứa của công trình này phải trả về sông Vu Gia để có nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Căn cứ của Đà Nẵng là Luật Tài nguyên nước với quy định rằng trong trường hợp thiếu nước, khan hiếm nước thì các nguồn nước trên lưu vực, đặc biệt là nước tích trữ trong các hồ phải ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, cho các nhu cầu thiết yếu khác và vì lợi ích chung; mặt khác, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Đăk Mi 4 phải thiết kế cống xả tại đập có khả năng xả 25 m3/giây trở lại sông Vu Gia.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, còn “đe” Đăk Mi 4 rằng nếu cần thiết, thành phố này sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để buộc Đăk Mi 4 phải trả nước về sông Vu Gia trong mùa kiệt. Nguồn nước của Vu Gia phải được trả lại cho Vu Gia!

“Nước của dòng cơ bản, dòng trong mùa khô, đến bao nhiêu thì trả lại cho chúng tôi bấy nhiêu. Chúng tôi có cách thức để kiểm soát được toàn bộ dòng đến bao nhiêu và dòng anh phải trả lại bao nhiêu” – ông Thắng đề nghị.

Thế nhưng, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lại cho rằng Đăk Mi 4 không nhất thiết phải tạm ngưng phát điện và rằng thủy điện này phải giữ nước lại trong hồ chứa để phục vụ lúa Hè – Thu của tỉnh Quảng Nam: “Tôi đề nghị Đăk Mi 4 tích nước lại để có thể phục vụ cho vụ lúa Hè – Thu. Tôi biết Đà Nẵng rất căng thẳng nhưng Quảng Nam cũng rất căng thẳng. Bắt thủy điện đi giải quyết hạn thay cho ông Trời chắc cũng khó!?”

Hai địa phương đã tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích cho người dân của mình.

Còn Đăk Mi 4 làm gì? Nếu Đăk Mi 4 chấp nhận xả nước trở lại sông Vu Gia, đồng nghĩa với việc hy sinh lợi nhuận của mình thì cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng. Nhưng ngược lại, nếu chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp, của ngành điện, tiếp tục chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện thì Quảng Nam sẽ hưởng lợi, giúp tỉnh này giải quyết vấn đề nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Và cuối cùng, ông Đào Minh Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 4, nhất quyết “nghe” theo tỉnh Quảng Nam, xả nước về Thu Bồn để “phục vụ” cho sản xuất nông nghiệp: “Thời gian vừa qua, chúng tôi chấp hành tất cả điều tiết của EVN và của địa phương. Địa phương ở đây là tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam có những yêu cầu về nước và vận hành như thế nào, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng. Thực tế, chúng tôi đã giữ nước lại”.

TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tiếp tục “căng” với nhau về nguồn nước. Thế là, ông Đào Minh Tiến khéo léo chuyền “trái bóng” trở lại cho hai địa phương này với yêu cầu phải tự bàn với nhau: “Cả Đà Nẵng, cả Quảng Nam đều có nhu cầu sử dụng nước và đều muốn sử dụng hồ Đăk Mi như thế này. Các anh phải có sự cân nhắc, điều tiết cho Đà Nẵng bao nhiêu, điều tiết cho Quảng Nam bao nhiêu. Sau khi có quyết định, chúng tôi sẽ chấp hành”.

Tài nguyên nước trên các lưu vực sông được Nhà nước thống nhất quản lý. Từ tranh chấp này cho thấy, dường như, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn không có… Hà Bá! Cùng chung một lưu vực sông, cùng sống nhờ vào một nguồn nước nhưng TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không ai chịu ai.

Tranh chấp này chỉ tạm thời lắng dịu khi tiếp tục có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Khổ thật! Chẳng lẽ, cứ mỗi khi một lưu vực sông nào có tranh chấp về nguồn nước, Chính phủ lại phải ra tay giải quyết? Hơn nữa, việc để các đơn vị sử dụng nước, Tập doàn Điện lực Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra giải quyết tranh chấp về nguồn nước, tự bàn với nhau, lên kế hoạch sử dụng nước là không hợp lý!

Vậy tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường không nắm quyền điều hành để phân bổ, chia sẻ cũng như giải quyết những vấn đề này?

Ai cũng quản lý thành… không ai quản lý

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Trong khi đó, quản lý Nhà nước về sử dụng nước cho các ngành thì do các bộ khác chịu trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý Nhà nước đối với việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt nông thôn. Bộ Công Thương quản lý Nhà nước về việc cấp nước cho công nghiệp, thủy điện. Bộ Xây dựng quản lý Nhà nước về cấp nước cho đô thị và các khu công nghiệp…

Theo PGS. TS Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, quản lý tài nguyên nước như hiện nay là “cha chung không ai khóc”: “Do phân chia quyền quản lý nước ra quá nhiều cơ quan nên tính kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về nước là không thống nhất. Ai cũng quản lý có nghĩa là không ai quản lý, ai cũng làm có nghĩa là không ai làm.

Ví dụ như tranh chấp nước ở miền Trung. Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành điện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương họp bàn và thống nhất yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả để cấp nước cho hạ du nhưng người ta vẫn không mở. Ai là người quyết định phải mở? Bộ Tài nguyên và Môi trường à? Không phải, lúc đấy, lại là Bộ Công Thương. Thực ra những quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường nghe ra thì to nhưng lại không có hiệu lực”.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, do trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp nước cho các ngành chưa thật rõ ràng nên Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thể chịu trách nhiệm đến cùng về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.

“Vấn đề ở đây là chúng ta không phân ra được trách nhiệm của người chịu trách nhiệm đến cùng của từng cơ quan. Ví dụ như việc điều chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn. Nước về Đà Nẵng không phù hợp với yêu cầu sử dụng của thành phố này. Vậy ai là người chịu trách nhiệm đến cùng sự việc ấy?” – ông Kiên đặt câu hỏi.

Mặt khác, như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước, do thiếu nghiêm trọng hệ thống các cơ quan và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật, vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước thiếu năng lực làm chủ, dẫn đến mất kiểm soát trong công tác quản lý tài nguyên nước.