FAO: Chất thải thực phẩm gây hại cho khí hậu, nước, đất và đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo mới của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), chất thải của 1,3 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế, mà còn tác động xấu đến nguồn tài nguyên thiên nhiên nuôi sống con người.

Dấu chân chất thải thực phẩm: Tác động đối với tài nguyên thiên nhiên là nghiên cứu đầu tiên phân tích những tác động của chất thải thực phẩm từ khía cạnh môi trường nhìn vào hậu quả của nó đối với khí hậu, nước, đất và cả đa dạng sinh học.

Một trong những phát hiện quan trọng là, mỗi năm, thực phẩm được sản xuất ra nhưng không được ăn làm tiêu tốn một lượng nước tương đương với dòng chảy hàng năm của sông Vôn-ga ở Nga và làm gia tăng 3,3 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển của hành tinh. Báo cáo của FAO ước tính, ngoài những tác động về môi trường, hậu quả trực tiếp về kinh tế đối với các nhà xử lý chất thải thực phẩm (trừ cá và hải sản) vào khoảng 750 tỷ USD/năm.

Tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva cho biết: “Tất cả chúng ta, nông dân và ngư dân; các nhà chế biến thực phẩm và các siêu thị; chính quyền địa phương và Chính phủ; người tiêu dùng phải tạo ra sự thay đổi ở mỗi liên kết chuỗi thực phẩm để giảm thiểu chất thải thực phẩm từ nơi bắt đầu và tái sử dụng hoặc tái chế chất thải. Chúng ta không thể cho phép 1/3 lượng thực phẩm chúng ta sản xuất ra trở thành chất thải hoặc bị mất đi do thói quen không hợp lý, trong khi có 870 triệu người bị đói mỗi ngày”.

FAO cũng ban hành sổ tay hướng dẫn đi kèm nghiên cứu mới, bao gồm đề xuất làm thế nào để giảm chất thải và tổn thất lương thực ở mỗi giai đoạn trong chuỗi thực phẩm. Sổ tay đề cập đến các dự án trên toàn thế giới cho thấy Chính phủ các nước, chính quyền địa phương, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hành động để giải quyết vấn đề này.

Ảnh: Seamepost.com
Ảnh minh họa: Seamepost.com/agroviet.gov.vn

Theo nghiên cứu, 54% chất thải thực phẩm trên thế giới tìm thấy ở “đoạn trên” của quá trình sản xuất, xử lý sau thu hoạch và bảo quản. 46% chất thải xảy ra ở “đoạn dưới”, trong quá trình chế biến, phân phối và tiêu thụ.

Theo xu hướng chung, các nước đang phát triển chịu tổn thất thực phẩm nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù chất thải thực phẩm ở khâu bán lẻ và người tiêu dùng có xu hướng cao hơn ở những khu vực thu nhập trung và cao, chiếm tới 31 – 39% tổng lượng chất thải, so với những khu vực thu nhập thấp (4 – 16%).

Báo cáo của FAO nhấn mạnh, sản phẩm lương thực bị mất đi càng muộn trong chuỗi, hậu quả đối với môi trường càng lớn, do chi phí môi trường trong quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản và nấu nướng cộng với chi phí sản xuất ban đầu.

Một số điểm nóng về chất thải thực phẩm được đề cập đến trong nghiên cứu, gồm: Chất thải ngũ cốc ở châu Á là một vấn đề nghiêm trọng, với những tác động mạnh mẽ đến khí thải các-bon, nước và sử dụng đất. Hồ sơ chất thải của lúa gạo đặc biệt đáng lưu ý do khí thải mê-tan cao kết hợp với mức độ chất thải lớn. Mặc dù lượng chất thải thịt ở tất cả các khu vực trên thế giới tương đối thấp, ngành thịt vẫn đóng góp một tác động không nhỏ tới môi trường trên phương diện chiếm hữu đất và khí thải các-bon, đặc biệt ở các nước thu nhập cao và Mỹ Latinh, cùng chiếm tới 80% tổng lượng chất thải thịt. Ngoại trừ Mỹ Latinh, các khu vực thu nhập cao chịu trách nhiệm cho 67% tổng lượng chất thải thịt. Chất thải trái cây đóng góp một phần lớn chất thải nước ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu, chủ yếu do mức độ chất thải đặc biệt cao. Tương tự, lượng lớn chất thải rau ở các khu vực công nghiệp hóa châu Á, châu Âu, Nam Á và Đông Nam Á chuyển thành lượng các-bon lớn.

Theo FAO, hành vi của người tiêu dùng và thiếu giao tiếp trong chuỗi cung là nguyên nhân dẫn đến mức độ cao chất thải thực phẩm ở các xã hội giàu có. Người tiêu dùng không có kế hoạch mua sắm, mua quá nhiều, phản ứng quá tiêu cực với hạn sử dụng tốt nhất của sản phẩm, trong khi chất lượng và tiêu chuẩn thẩm mỹ khiến người bán lẻ từ chối một lượng lớn thực phẩm hoàn toàn có thể ăn được.

Ở những nước đang phát triển, tổn thất sau thu hoạch ở phần đầu của chuỗi cung là vấn đề chủ yếu, do kết quả của những hạn chế tài chính và cấu trúc trong công nghệ thu hoạch, bảo quản và hạ tầng cơ sở giao thông, kết hợp với điều kiện khí hậu dễ làm hỏng thực phẩm.

Để giải quyết vấn đề này, sổ tay hướng dẫn của FAO ghi rõ:

– Cần ưu tiên giảm chất thải thực phẩm ngay ở nơi đầu tiên. Ngoài việc cải thiện thiệt hại về cây trồng do thực hành kém, cân bằng tốt sản lượng và nhu cầu, có nghĩa là không sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất thực phẩm không cần thiết ở nơi đầu tiên.

– Trong trường hợp dư thừa thực phẩm, tái sử dụng trong chuỗi thực phẩm là lựa chọn tốt nhất. Nếu thực phẩm không phù hợp cho người sử dụng, lựa chọn tốt nhất tiếp theo là làm thức ăn chăn nuôi, bảo tồn tài nguyên không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại.

– Trong trường hợp không tái sử dụng được, cần đưa vào tái chế và khôi phục: tái chế sản phẩm phụ, tiêu hóa yếm khí, gom lại và đốt cho phép năng lượng và chất dinh dưỡng được khôi phục từ chất thải thực phẩm là một lựa chọn tốt hơn so với việc chôn lấp xuống đất. Thức ăn thừa thối rữa trong bãi chôn lấp là nguyên nhân tạo ra một lượng lớn khí mê-tan, một loại khí nhà kính đặc biệt có hại.