“Sừng tê giác có độc và giá trị chỉ tương đương sừng trâu”

ThienNhien.Net – “Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư, giúp giải rượu, tăng cường sinh lực… Điều này hoàn toàn sai lầm. Sừng tê giác không những không mang lại lợi ích cho việc chữa bệnh mà còn đem thêm bệnh cho người vì chúng có độc, loài tê giác thì sắp tuyệt chủng. Theo tôi nhìn nhận, sừng tê giác chỉ có giá trị tương đương với sừng trâu”.

Đây là lời phát biểu của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp thuộc Viện sinh vật và Công nghệ sinh học tại một sự kiện liên quan đến bảo tồn loài tê giác Nam Phi do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức sáng nay (10/9) tại Hà Nội.

Giáo sư Lân Dũng giải thích, sở dĩ nói sừng tê giác có độc là vì hiện nay trên thị trường có những sừng tê giác được ăn trộm từ bảo tàng rồi đem bán ra thị trường. Khi để trong bảo tàng, người ta tẩm thuốc nhằm bảo quản sừng, do đó nếu người dân sử dụng sẽ dễ dẫn đến bị nhiễm độc, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trung bình mỗi ngày có tới hai cá thể tê giác Nam Phi bị giết hại trái phép để lấy sừng (Ảnh minh họa: Báo Hải Quan)
Trung bình mỗi ngày có tới hai cá thể tê giác Nam Phi bị giết hại trái phép để lấy sừng (Ảnh minh họa: Báo Hải Quan)

Được biết, hiện nay trung bình mỗi ngày có tới hai cá thể tê giác Nam Phi bị giết hại trái phép để lấy sừng.

Theo nhà báo Julian Rademeyer, người đã có hơn hai năm điều tra nghiệp vụ về nạn săn bắn, buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, hiện tê giác ở Nam Phi chiếm 73% số lượng tê giác trên thế giới, trong đó có khoảng 19.000 tê giác trắng, 2.000 tê giác đen. Từ năm 2007 đến nay, Nam Phi mất 2.200 cá thể tê giác do bị giết hại, trong đó chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 668 cá thể tê giác bị giết.

Cũng theo nhà báo, một thông tin từ nguồn đáng tin cậy mà ông có được cho hay trong những năm gần đây đã có 600 sừng tê giác được cho là xuất khẩu hợp pháp sang Việt Nam, tuy nhiên chỉ có 170 sừng được xác nhận qua Hải quan.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết thêm, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã phát hiện, điều tra và xử lý 20 vụ vận chuyển và buôn bán trái phép sừng tê giác, tuy nhiên chỉ có 3 vụ đưa ra xét xử.

Bà Khương Thị Bích Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền kiểm công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế – chức vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho hay: Từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam đã tiến hành điều tra và khởi tố 5 vụ liên quan đến buôn bán sừng tê giác, tất cả đều có số lượng lớn và có nguồn gốc từ Nam Phi. Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó khăn do chưa có văn bản quy định cụ thể; việc xử lý tang vật cũng chưa nhận được sự thống nhất giữa các đơn vị…