Bộ TN-MT kết luận: Dự án Đồng Nai 6 và 6A phá rừng, phạm luật!

ThienNhien.Net – Lần đầu tiên Bộ Tài Nguyên và Môi trường có báo cáo chính thức cho Thủ tướng Chính phủ về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, trong đó nhấn mạnh 2 dự án vi phạm Luật Đa dạng sinh học và gây ra những tác động bất lợi đến môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6 A.

Bất lợi đủ đường

Theo Bộ TN-MT, việc xây dựng 2 dự án thủy điện này sẽ làm mất 372 ha đất rừng, trong đó 128 ha thuộc lõi khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Dù báo cáo ĐTM có cam kết trồng rừng bồi hoàn nhưng chưa nêu được vị trí và phương án cụ thể.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6A cách khu đất ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55 km theo đường sông. Theo khẳng định trong báo cáo ĐTM, khu này hầu như không chịu tác động của các dự án. Thế nhưng, trong báo cáo ĐTM chưa đưa ra được các số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai về khu ngập nước và ngược lại để chứng minh.

Bên cạnh đó, ĐTM cũng chưa đánh giá đầy đủ về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng của VQG Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.

Theo Bộ TN-MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho  các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên
Theo Bộ TN-MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho
các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên (Ảnh: www.nld.com.vn)

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ TN-MT, dự án cũng tiềm ẩn nhiều tác động bất lợi khác lên sinh kế của người dân hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người; quá trình xem xét, công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên… Bộ TN-MT khẳng định nếu dự án được thực hiện phải triển khai xây dựng các công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận… và sẽ tác động bất lợi đến môi trường, kinh tế – xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên.

Dừng thẩm định ĐTM

Dẫn quy định tại điều 7, Luật Đa dạng sinh học là “việc xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn là hành vi bị nghiêm cấm”, Bộ TN-MT khẳng định việc xây dựng 2 dự án đã vi phạm luật trên. Bởi lẽ, 2 dự án đều có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. Chưa kể, điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: Khi phê duyệt dự án nằm trong khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái thì phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin. Báo cáo ĐTM của 2 dự án vẫn chưa có văn bản thẩm định theo quy định.

Theo Bộ TN-MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: THU SƯƠNG
Theo Bộ TN-MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên (Ảnh: Thu Sương/www.nld.com.vn)

Ngày 27-6-2012, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã trình báo cáo ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ngày 28-11-2012, Bộ TN-MT đã tổ chức phiên họp yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo ĐTM.

Ngày 28-6-2013, chủ đầu tư tiếp tục nộp bản ĐTM đã chỉnh sửa. Bộ TN-MT lên kế hoạch tổ chức họp hội đồng thẩm định thì đến ngày 1-8-2013, chủ đầu tư đã có văn bản xin rút lại ĐTM để chỉnh sửa một số nội dung. Vì thế, Bộ TN-MT đã dừng việc xem xét, thẩm định 2 dự án; đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện này nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

Không làm thủy điện bằng mọi giá

“Đối với 2 dự án thủy điện xây dựng trong VQG Chư Yang Sin và VQG Yok Đôn, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ xem xét nếu thấy ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ đề nghị dừng triển khai” – ông Phùng Thế Vinh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 10-9.

Theo ông Vinh, ưu thế của các tỉnh Tây Nguyên là phát triển thủy điện nhưng không nhất thiết phải làm thủy điện bằng mọi giá mà phải tính toán sao cho phù hợp. Đối với 2 dự án thủy điện Ea K’tuor và Đrang Phốk gây bức xúc cho người dân, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá. “Thủy điện ngay trong rừng đặc dụng và không được dân đồng tình thì sẽ đề nghị loại bỏ” – ông Vinh khẳng định.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với các bộ ngành trung ương khảo sát, kiểm tra tất cả các dự án thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên. Kết quả cho thấy các dự án thủy điện đang là nỗi lo cho toàn dân, toàn vùng vì ảnh hưởng đến môi trường và làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Thậm chí có thủy điện đã di dời dân 3-4 năm nhưng vẫn chưa cấp đất sản xuất cho họ. Trước những hệ lụy này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị với Chính phủ, bộ ngành cần xem xét thật kỹ trước các dự án thủy điện, đặc biệt là các dự án ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân.

Ông Võ Minh Sơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Đối với dự án thủy điện Ea K’tuor, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị bộ, ngành liên quan dừng triển khai vì ảnh hưởng đến VQG Chư Yang Sin và khu di tích lịch sử cách mạng – hang đá Đắk Tur. Còn dự án thủy điện Đrang Phốk, UBND tỉnh lại có công văn đồng ý cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án. Tuy nhiên, theo ông Sơn, 2 dự án này do Bộ Công Thương phê duyệt nên phải chờ quyết định của bộ.
C.Nguyên

 

“Việc Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ rà soát lại đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A và đánh giá 2 dự án này tác động bất lợi đến môi trường, vi phạm luật là điều đáng mừng, đúng với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Hy vọng Chính phủ sớm ghi nhận, loại 2 thủy điện ra khỏi quy hoạch điện quốc gia” – ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, nói.

 

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: Bộ TN-MT đã nhìn ra bản chất thật

5TSLong_50fba

 Bộ TN-MT đã trình bày với Thủ tướng Chính phủ những tác động môi trường không thể hoán đổi nếu triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đó việc mất rừng trong vùng lõi và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên, ảnh hưởng đến khu Ramsar Bàu Sấu, nhu cầu sử dụng nước của vùng hạ lưu… Đặc biệt lần này, Bộ TN-MT đã xem xét đến việc vi phạm luật của 2 dự án này là rất xác đáng và đã tạo lòng tin cho những nhà khoa học.

Trước đây, chúng tôi rất lo ngại việc xem xét thông qua 2 dự án này sẽ tạo tiền đề cho việc vi phạm luật tiếp theo (hoặc lách luật) của hàng trăm dự án thủy điện nhỏ và vừa khác đang lăm le nhảy vào khai thác nguồn tài nguyên nước và rừng trong các khu rừng đặc dụng của Tây Nguyên và Trường Sơn.

Lần này, ý kiến của bộ cũng đã đề cập yếu tố văn hóa bản địa và sinh kế của người đồng bào dân tộc đang sống trong vùng ven và bên trong các khu rừng đầu nguồn. Sự bình đẳng về mặt sử dụng tài nguyên đã được cân nhắc và chú ý đến. Ý kiến chính thức của Bộ TN-MT đã nhìn nhận, đánh giá tác động của 2 dự án đúng với bản chất của nó.

 

TS Nguyễn Thị Hải Yến, Cộng tác viên nhóm nghiên cứu Sinh thái, ĐH Erlangen, Công hòa liên bang Đức (nguyên Chuyên gia cao cấp về môi trường – Ban thư ký Ủy ban sông Mê Kông): Một thông điệp mạnh mẽ!

5TSYen_1b058

Báo cáo của Bộ TN-MT khá chi tiết và toàn diện về các mặt tác động tiêu cực của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trong đó đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của chủ đầu tư trong việc đưa ra những giải pháp khả thi giảm thiểu thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học, cần bằng sinh thái và kinh tế – xã hội.

Ở góc độ chuyên môn, tôi đánh giá cao báo cáo lần này của Bộ TN-MT. Qua đó có thể thấy Bộ TN-MT đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc dừng 2 dự án này là cần thiết vì tác động tiêu cực không thể phục hồi của chúng.

Tuy nhiên, thiết nghĩ với trách nhiệm và cương vị của một đơn vị quản lý về môi trường, Bộ TN-MT nên kiến nghị Thủ tướng dừng 2 dự án hoặc chỉ đạo Bộ Công Thương loại 2 dự án ra khỏi quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai. Điều này cũng phù hợp với tinh thần các chỉ đạo trước đó của Thủ tướng và Phó thủ tướng: Nếu Bộ TN-MT thẩm định thấy các tác động về môi trường thì kiên quyết dừng dự án.