Doanh nghiệp sẽ đồng thuận di dời nếu lợi ích được đảm bảo

ThienNhien.Net – Trong khi tiến độ di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang bị hối thúc bởi các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án thì phía doanh nghiệp và người lao động vẫn còn nhiều mối băn khoăn mà nếu không được giải quyết có thể gây khó khăn và chậm trễ cho kế hoạch di dời.

Trao đổi với PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường về vấn đề này, ông cho rằng một khi lợi ích của hai nhóm đối tượng này được đảm bảo thì không có lý do gì họ không di dời.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai (Ảnh: sonadezi.com.vn)
Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai (Ảnh: sonadezi.com.vn)

– Việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đồng ý di dời vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Phó Giáo sư có cho rằng kế hoạch di dời này đảm bảo tính khả thi? 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích 323 ha và là khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam với tên gọi ban đầu là Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Từ năm 1990, khu công nghiệp này được giao cho Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp Đồng Nai (Sonadezi) làm chủ đầu tư. Hiện nay, trong khu công nghiệp có 107 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 126.000 lao động.

Chủ trương di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được đặt ra từ năm 2007. Sau khi di dời sẽ tạo ra khu đất “vàng” để quy hoạch, xây dựng thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ. Đồng thời, việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và giảm thiểu ô nhiễm không khí tại khu vực lân cận.

Từ năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sonadezi chuẩn bị Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Theo đó, cuối năm 2011, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này phải di dời để Sonadezi tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng cho khu đô thị hiện đại gồm trung tâm tài chính, khách sạn, nhà hàng, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự sân vườn, trường đại học…

Theo kế hoạch ban đầu, dự án xây dựng khu đô thị được chia làm ba giai đoạn: từ 2011- 2012 vừa tiến hành di dời các doanh nghiệp, vừa xây dựng khu vực phía Tây Nam và khu vực phía Đông Bắc của Khu công nghiệp Biên Hòa 1; từ 2013 – 2017 xây dựng khu phía Tây, dọc bờ sông Cái và khu vực trung tâm; từ 2018 – 2022 xây dựng các khu vực còn lại. Tổng vốn thực hiện dự án khoảng 17.000 tỉ đồng, trong đó gần 4.000 tỉ đồng dành cho việc hỗ trợ doanh nghiệp di dời (tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng…). Hơn 100 doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải dời về Khu công nghiệp Giang Điền hoặc Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Khu công nghiệp Ông Kèo… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn chưa di dời mặc dù tỉnh Đồng Nai đã đưa ra những chính sách ưu đãi đặc biệt.

Một cuộc thăm dò của Sonadezi mới đây cho thấy chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp đồng ý di dời, trong khi có đến 44% doanh nghiệp còn băn khoăn chưa muốn thực hiện điều này.

Mặc dù chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và chuyển đổi công năng khu công nghiệp này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và các Bộ, ngành Trung ương đồng tình, tuy nhiên, do đây là dự án hết sức phức tạp, tác động đến 107 doanh nghiệp và khoảng 126.000 lao động nên theo tôi cần phải đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và định lượng tốt các tác động của dự án này tới nền kinh tế, xã hội và môi trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cũng không thể kết luận về tính khả thi của dự án nếu chỉ dựa vào các thông tin, dữ liệu định tính hay phiến diện, một chiều. Ví dụ, nếu chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ chất lượng nước sông Đồng Nai (do có khoảng 15.000 m3 nước thải từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thải ra sông Đồng Nai mỗi ngày) thì chỉ cần chi khoảng 1% trong tổng số 17.000 tỷ đồng là đã có thể giải quyết triệt để vấn đề này. Mặt khác, nếu có giải quyết triệt để vấn đề nước thải từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thì nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua khu vực này vẫn còn chịu tác động của nước thải sinh hoạt từ TP. Biên Hòa và rất nhiều nguồn thải khác từ phía thượng lưu đổ về. Cũng chưa có ai tính được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của phương án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cùng việc di dời các nhà máy sẽ cao hơn phương án giữ nguyên khu công nghiệp như hiện nay. Thiếu những thông tin đánh giá, nghiên cứu tác động tổng hợp, chúng ta sẽ không thể khẳng định được tính khả thi của dự án.

– Sự lo ngại đến từ phía doanh nghiệp và người lao động không phải không có lý bởi đi kèm với việc di dời sẽ là các vấn đề về gia tăng chi phí; địa thế hoạt động kém thuận lợi; thiếu lao động; giải quyết chỗ ở cho người lao động, điều kiện sống tại nơi ở mới để người lao động có thể chấp nhận… Vậy theo Phó Giáo sư, cần có những hỗ trợ cụ thể nào về mặt chính sách đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp và người lao động để kế hoạch di dời được thúc đẩy nhanh hơn? Cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp hiện nay đã thỏa đáng và phù hợp? 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp và người lao động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã thể hiện nhiều lo ngại liên quan đến việc di dời.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp chuyển đổi trong khu công nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với chủ đầu tư cấp 1, áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp di dời được miễn 100% thuế nhập khẩu với các máy móc thiết bị đầu tư cho nhà máy. Cho phép khấu trừ các khoản hỗ trợ của dự án vào tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi của Nhà nước và các quỹ đầu tư với lãi suất ưu đãi, đáp ứng 50% nhu cầu vốn đầu tư… Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ tuyến xe buýt từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đến Khu công nghiệp Giang Điền, ban hành quy chế hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ nhà ở công nhân, đăng tải thông tin doanh nghiệp trên các trang web của tỉnh.

UBND tỉnh còn chấp nhận phương án thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư cấp 1 thực hiện dự án và ưu tiên cho những công ty có điều kiện trong khu công nghiệp tham gia thành lập công ty cổ phần để đầu tư hạ tầng và xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ theo quy hoạch.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người lao động vẫn có quyền nghi ngại về tính đồng bộ và tính kịp thời của các giải pháp đề xuất. Vì vậy, theo tôi để kế hoạch di dời được thúc đẩy nhanh hơn thì song song với việc động viên, khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động di dời đến khu vực mới, xa hơn thì chủ dự án (Sonadezi) đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở, chợ, bệnh viện, trường học, bến xe… sao cho doanh nghiệp và người lao động cảm thấy yên tâm khi tới làm việc tại nơi mới, đảm bảo điều kiện tại nơi di dời đến ít nhất phải tương đương với các điều kiện tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

– Với những doanh nghiệp không muốn di dời do khó tìm được vị trí thích hợp hoặc không được khu công nghiệp nơi dự kiến chuyển đến tiếp nhận do những đặc thù về ngành nghề sản xuất thì phải làm sao, thưa Phó Giáo sư? 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Trên thực tế, có thể có những doanh nghiệp không muốn di dời vì khó tìm được vị trí hợp lý hoặc không được khu công nghiệp nơi dự kiến chuyển đến tiếp nhận do những đặc thù về ngành nghề sản xuất. Tuy nhiên, về nguyên tắc không có khó khăn nào mà không có giải pháp để giải quyết thỏa đáng. Nếu doanh nghiệp không muốn di dời do vị trí quá xa thì UBND tỉnh có thể can thiệp để cho phép doanh nghiệp di dời tới các khu công nghiệp lân cận Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mà vẫn còn chưa lấp đầy. Nếu doanh nghiệp không được khu công nghiệp chấp nhận thì UBND tỉnh có thể can thiệp hoặc đề nghị doanh nghiệp chuyển tới khu công nghiệp khác phù hợp hơn.

Nguyên tắc chủ đạo là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp cảm thấy việc di dời sẽ có lợi ích cao hơn hoặc ít nhất bằng trường hợp không di dời. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ không còn lý do gì mà doanh nghiệp không chịu di dời.

Phó Giáo sư có cho rằng việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp cũ sang khu đô thị, thương mại là xu hướng nên được khuyến khích áp dụng hiện nay?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Trong thời gian, qua chúng ta thấy có không ít mô hình chuyển đổi từ khu đô thị, khu thương mại, khu dịch vụ thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc ngược lại. Tuy nhiên, quy mô chuyển đổi và mức độ tác động không lớn. Yếu tố quyết định của mỗi trường hợp chuyển đổi chính là hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, không thể có bất kỳ một xu hướng chuyển đổi nào hay biện pháp khuyến khích áp dụng rộng rãi nào đối với mô hình chuyển đổi từ khu công nghiệp cũ sang khu đô thị – thương mại – dịch vụ. Việc chuyển đổi này phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở đánh giá tác động của mô hình tới kinh tế, xã hội và môi trường và so sánh với phương án không chuyển đổi. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cũng không phải là ngoại lệ và cần tuân thủ nguyên tắc nêu trên.

Xin chân thành cảm ơn Phó Giáo sư!