Ráo riết xử lý cá tầm nhập lậu

ThienNhien.Net – Tương tự như cách “biến” gà Trung Quốc thành gà Việt Nam đã từng diễn ra, để hợp thức hóa nguồn cá tầm nhập lậu từ biên giới, hàng loạt trang trại nuôi cá tầm được mở ra tại một số địa phương gần biên giới phía Bắc. Thực tế này đã và đang được cơ quan Công an điều tra xác minh.

Cá Trung Quốc đội lốt Việt Nam

Trong một cuộc gặp gỡ trao đổi với phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí mới đây, đại diện Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam và một số nhà sản xuất nuôi cá đã rất bức xúc phản ánh tình trạng cá tầm không rõ nguồn gốc vẫn đang hàng ngày được lưu thông, bày bán công khai tại Việt Nam.

Sau khi thông tin về tình trạng buôn lậu cá tầm được phản ánh mạnh mẽ trên báo chí, cùng với sự “vào cuộc” của cơ quan quản lý, theo nhận định của C49, tình hình nhập lậu thủy hải sản, cá tầm đã giảm đáng kể. Thời điểm trước tháng 4-2013, trung bình mỗi ngày các đối tượng vận chuyển khoảng 5-7 tấn cá tầm về Hà Nội tiêu thụ, phần lớn là cá tầm nhập lậu. Còn hiện nay, lượng cá tầm lậu về Hà Nội khoảng 2 tấn/ngày, chủ yếu tập kết ở các chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì… nhưng đa số đã được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước. Bên cạnh đó còn một lượng nhỏ các tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được đưa vào từ Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Lượng cá ước tính mỗi ngày vận chuyển qua đường hàng không được Hiệp hội này đưa ra lên tới cả chục tấn. Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh cho biết: Mỗi ngày thị trường tiêu thụ khoảng 10-16 tấn cá tầm, nhưng hiện các công ty nuôi cá tầm Việt Nam chỉ có thể cung cấp 2 – 3 tấn, số còn lại, theo ông Hào, “chỉ có thể là nhập lậu”.

Cũng đồng tình quan điểm này, ông Lê Anh Đức- Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cho biết: Hiện cá tầm nuôi tại một vài trang trại ở phía Bắc mới đang ở dạng thử nghiệm, lượng cá thành phẩm cung cấp ra thị trường rất thấp. Trong khi nguồn cá nuôi từ các tỉnh phía Nam do chưa đủ cung cấp cho thị trường trong đó, nên chưa có nguồn cung ra đến thị trường phía Bắc.

Lượng cá tiêu thụ trên thị trường hiện nay (nhất là phía Bắc) chủ yếu là nhập lậu. Đã có hiện tượng cá tầm Trung Quốc được nhập qua biên giới (qua nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là nhập lậu) vào một số trang trại nuôi cá mới được thành lập ở các tỉnh biên giới phía Bắc để biến thành cá nuôi trong nước, có đủ hóa đơn chứng từ lưu thông trong nội địa. Ông Đức khẳng định thực chất đây chỉ là các ao “chứa cá”, từ đó hợp thức hóa số lượng cá rất lớn được nhập lậu vào Việt Nam. “Chúng tôi đã từng đến một trại nuôi cá tầm ở Bắc Giang.

Trang trại này chỉ có vài chục khối nước (chỉ đủ nuôi vài chục con cá tầm). Thậm chí với nhiệt độ khoảng 280C như ở đây thì cá thả xuống là chết chứ nói gì đến nuôi lớn. Vậy mà một ngày cơ sở này vẫn viết hóa đơn xuất 3 – 5 tấn cá tầm”, ông Đức cho biết.

Ông Trần Yên, chủ một đơn vị nuôi trồng thủy sản ở Lai Châu cũng cho biết: Đầu tháng 5-2013, ông phát hiện một DN (Công ty CP Thủy điện Chu Va-Lai Châu) có cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi nhập. Cơ sở này đã NK cá tầm từ Trung Quốc và đưa cả người Trung Quốc sang nuôi cá.

Và thực tế này đã được cơ quan chức năng điều tra, xác minh. Mới đây Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cá tầm nhập lậu vào Việt Nam. Báo cáo của cơ quan này cho thấy thời gian qua nhiều trại nuôi cá tầm đã nhanh chóng được mở ra tại các tỉnh phía Bắc (như Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang), là những tỉnh có gần với khu vực biên giới với Trung Quốc.

Và không ít trong số đó là trại nuôi cá được thành lập ra với mục đích chủ yếu là để hợp thức hóa cá tầm lậu thành cá nuôi trong trang trại trong nước. Kết quả kiểm tra cho thấy những trang trại nuôi cá tầm này có diện tích không lớn. Đặc biệt thường nếu cá nuôi từ con giống thì phải mất khoảng thời gian 1 năm mới đủ trọng lượng xuất bán, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn cá.

Cá tầm được nuôi tại hồ thủy điện Đa Nhim-Lâm Đồng. (Ảnh do DN cung cấp)
Cá tầm được nuôi tại hồ thủy điện Đa Nhim-Lâm Đồng. (Ảnh do DN cung cấp)

Buôn lậu phức tạp

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy tình hình buôn lậu cá tầm đã và đang diễn biến khá phức tạp. Các địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển cá tầm nhập lậu là những tỉnh nằm sát biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.

Theo C49 đã xuất hiện, hình thành các đường dây buôn cá tầm với khoảng 10 đối tượng cầm đầu là chủ đầu nậu, các đường dây thu gom cá tầm vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam được hình thành có đối tượng thu mua ở biên giới, tổ chức vận chuyển vào nội địa; thậm chí có cả đối tượng bảo kê, bao biên, bao tuyến tại các khu vực biên giới, trên các tuyến giao thông. Phương thức chủ yếu của các đối tượng này vẫn là thuê cửu vạn cõng hàng qua đường mòn, lối mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, bố trí người cảnh giới giám sát hoạt động của các lực lượng chức năng, thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động, sau đó tập kết tại các điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối để tiêu thụ (đặc biệt là chợ cá Yên Sở, các đại lý cá lớn ở Hà Nội).

Để vận chuyển trong nội địa, các đối tượng sử dụng các xe tải nhỏ, xe máy, đò máy để vận chuyển. Cá được trung chuyển, tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên và vận chuyển vào TP.HCM…

Cần sự đồng bộ, quyết liệt

Hoạt động buôn bán, vận chuyển cá tầm nhập lậu là một thực tế đã và đang diễn ra, cần có sự ra quân quyết liệt của các cơ quan quản lý chức năng để ngăn chặn. Tuy nhiên theo ông Trần Yên, hiện nay việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng vẫn chưa ráo riết nên nạn “rửa” cá tầm nhập lậu sẽ có nguy cơ ngày một lan rộng.

Theo ông Lê Anh Đức, việc truy xuất nguồn gốc cá không khó. Nếu thực sự nuôi, chủ trại cá sẽ phải trình ra được các hóa đơn chứng từ chứng minh được việc mua cá giống ở đâu, năng suất mỗi trại cá là bao nhiều. Bởi tại Việt Nam hiện nay, số DN cung cấp cá giống chỉ đếm trên đầu ngón tay, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra xác minh được.

Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức cũng khẳng định: Tôi là người sản xuất và cung cấp giống duy nhất ở miền Bắc và tôi nắm rõ nhất đã bán cá cho ai.

Có thể thấy, các trại nuôi cá, nếu không nuôi từ cá giống, thì cá trưởng thành NK mà các trại đang nuôi chỉ có thể là cá nhập lậu bởi đại diện của cơ quan Quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) đã khẳng định cơ quan này chưa hề cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào.

Vấn đề này ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, chúng ta có đủ lực lượng quản lý để làm rõ chuyện “rửa” cá tầm lậu. Vấn đề là các cơ quan này “quyết liệt” đến đâu.