Một dự án di dân bất khả thi

ThienNhien.Net – Được khởi động từ năm 2008, đến nay dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) được cho là bất khả thi nếu không muốn nói là bị phá sản.

Nguyên nhân chủ yếu được người dân và chính quyền đưa ra là vùng nguy cơ sạt lở cao trước đây đã không còn nguy hiểm. Hơn nữa, người dân cũng không chấp nhận việc di dời khỏi đất thổ canh, thổ cư liền kề gắn bó lâu đời để chuyển đến ở trên thửa đất chật hẹp.

Xã Chân Lý có địa thế đặc biệt, giáp với các xã của tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, được phân cách bởi sông Hồng chảy qua địa bàn. Những năm 90 của thế kỷ trước, đất ngoài đê thường bị sạt lở, có những năm bị sạt lở nghiêm trọng khiến diện tích đất bị thu hẹp. Trước thực tế này, dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở xã Chân Lý được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt và triển khai từ năm 2007 tại Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 30/10/2007.

Đến năm 2008, dự án được khởi động với việc UBND huyện Lý Nhân ra quyết định thu hồi 17.522 m2 đất thuộc quyền sử dụng của 380 hộ dân xã Chân Lý bao gồm đất lúa, đất màu và diện tích nuôi trồng thủy sản giao cho Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Hà Nam để san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư.

UBND xã Chân Lý cũng đã thống kê được 62 hộ dân ở 6 xóm của xã thuộc diện di dời để chuyển đến khu tái định cư. Tiếp đến, UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo UBND xã Chân Lý, phối hợp với Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Hà Nam triển khai hàng loạt các thủ tục tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng trường mầm non, xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản tại khu đất thu thu hồi.

UBND xã Chân Lý cũng đã ứng trên 1 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo dự án, mỗi suất đất tại khu tái định cư có diện tích từ 124 đến 160 m2, với mức tiền nộp từ 24 đến 30 triệu đồng/suất.

Thế nhưng, đến thời điểm này, hơn 5 năm trôi qua mới có 4 hộ dân thuộc vùng dự án đăng ký nhận đất tại khu tái định cư mới với số tiền kể trên, số còn lại đều không có ý định chuyển đến nơi ở mới.

Nguyên nhân được họ nêu lên là đã quen với cuộc sống trong bối ngoài đê, đất thổ cư và đất canh tác liền kề thuận tiện về mọi mặt. Bên cạnh đó, điều cơ bản nhất là vùng đất bên sông bị sạt lở thì nay không còn nguy cơ sạt lở nữa, bởi chính quyền đã cho kè đá toàn bộ bờ sông, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Trần Mạnh Cường, Bí thư Chi bộ thôn 5 Đồng Yên, xã Chân Lý cho biết, khoảng chục năm trở lại đây đoạn đê trên địa bàn xã đã được kè kiên cố nên không xảy ra sạt lở nữa, cùng với đó việc Nhà nước đưa vào sử dụng hàng loạt các đập thủy điện lớn, điều tiết nước hợp lý nên cũng không có lũ lớn. Do vậy, người dân trong thôn rất yên tâm với cuộc sống và công việc đồng ruộng tại mảnh đất này.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, hiện mỗi hộ có diện tích đất thổ cư khoảng 300 m2, nay di dời vào khu tái định cư thì diện tích lớn nhất cũng chỉ được 160 m2, cứ làm một phép tính đơn giản thì diện tích đất thổ cư của mỗi hộ đều bị thu hẹp lại cả trăm m2.

Ông Cường còn cho rằng, cuộc sống và công việc của người dân trong thôn bao đời nay gắn với đồng ruộng, họ cũng quen với việc đất thổ cư liền với thổ canh thuận tiện cho việc trồng chọt, chăn nuôi, quản lý và bảo vệ nên không ai muốn dời đi nơi khác.

Ông Đào Duy Phả, hiện canh tác trên diện tích 3 sào đất bãi vên sông thuộc thôn 5 Đồng Yên cho biết: Điều lo nhất là lũ và sạt lở thì nay đã không còn nữa, do vậy dự án di dân tái định cư là không phù hợp với thực tế. Ông Phả còn phản ánh, khi các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền khảo sát triển khai dự án, người dân cũng không được biết, không được thông qua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho rằng, dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở xã Chân Lý triển khai mà không có sự khảo sát kỹ càng. Mặc dù Đảng ủy, UBND xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động người dân chuyển vào khu tái định cư mới, tuy nhiên vẫn không khả quan. Ông Vinh cho rằng, việc thay đổi thói quen của người dân không hề đơn giản, bên cạnh đó lý do cơ bản nhất là lũ và sạt lở thì nay nguy cơ đó không còn nữa.

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh bên khu đất tái định cư (Ảnh: Báo Tin tức)
Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh bên khu đất tái định cư (Ảnh: Báo Tin tức)

UBND xã Chân Lý còn cho biết, 4 hộ dân đồng ý với phương án di dời đã đóng tiền đủ, nhưng đến nay UBND huyện Lý Nhân vẫn chưa có kế hoạch triển khai để 4 hộ này nhận đất. Bên cạnh đó, việc quy định giá đất tại khu vực tái định cư nay đã tăng nhiều lần so với thời điểm 4 hộ dân đóng tiền cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Trong khi đó, đất đã được giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, số tiền trên 1 tỷ đồng dành cho công tác này đã được xã Chân Lý ứng ra mà chưa có tín hiệu được thu về cũng là điều trăn trở của chính quyền xã. Vấn đề này đã được UBND xã Chân Lý báo cáo UBND huyện Lý Nhân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Đến thời điểm này, qua hơn 5 năm triển khai dự án đã phản ánh một thực tế là dự án không phù hợp nếu không muốn nói là không khả thi.

Ông Trần Anh Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, toàn tỉnh Hà Nam có 13 xã triển khai dự án di dân tái định cư, trong đó xã Chân Lý là một trong những địa phương triển khai sâu rộng nhất. Ông Tuấn khẳng định rằng, việc triển khai dự án được thông qua các hội nghị dân chủ nhân dân, được nhân dân đồng tình chấp thuận.

Như vậy, qua ý kiến này đã “hé lộ” một nghịch lý là: người dân và chính quyền xã cho rằng không có sự điều tra khảo sát cụ thể trước khi triển khai dự án, còn cơ quan chức năng lại nói có.

Đứng trước thực tế không vận động được người dân vào khu tái định cư, UBND xã Chân Lý hiện rất lúng túng trước việc quản lý và sử dụng quỹ đất trên 17.500 m2 đã thu hồi và giải phóng mặt bằng. Diện tích đất “bờ xôi ruộng mật” của người dân nay để cỏ mọc um tùm gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, số tiền trên 1 tỷ đồng xã Chân Lý ứng trước để giải phóng mặt bằng chưa được thu về mà vẫn chưa có phương án giải quyết cũng là điều trăn trở đối với xã. Còn dự án thì vẫn… nằm trên giấy.