Chủ rừng để mất rừng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ”

ThienNhien.Net – Theo báo cáo nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 700 ha rừng bị tàn phá, chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong. Nhưng thực tế, diện tích rừng bị dân xâm canh trái phép, phá rừng làm rẫy, mua bán đất lâm nghiệp trái phép cao hơn rất nhiều so với số liệu thống kê. Điều đáng nói là việc xử lý lãnh đạo hay chủ rừng của các đơn vị để mất rừng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với một số giám đốc các công ty lâm nghiệp: Quảng Tín huyện Tuy Đức, Trường Xuân và Đắk N’tao huyện Đắk Song, Nam Nung huyện Đắk G Long và Thuận Tân huyện Đắk Mil. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng đã xử lý kỷ luật 31 cán bộ, công chức. Trong đó có 9 người giữ các chức vụ hạt trưởng, phó hạt trưởng và 22 kiểm lâm viên khác với hình thức khiển trách và cảnh cáo, nặng lắm là luân chuyển công tác địa bàn khác và mức xử lý kỷ luật đưa ra chưa thực sự mang tính giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành các nghị quyết, quyết định về trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo, với hy vọng chặn đứng được nạn phá rừng, buôn bán đất rừng đang xảy ra tràn lan, không kiểm soát được.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai chương trình rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng với tổng diện tích đất lâm nghiệp khoảng 386.000 ha, trong đó dự kiến quy hoạch ổn định cho mục đích phát triển lâm nghiệp 318.000 ha và đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 68.000 ha. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện công tác cưỡng chế, thu hồi một số diện tích đất rừng đang bị người dân lấn chiếm trái phép.

Để bảo vệ và phát triển vốn rừng, các ngành, các cấp tỉnh Đắk Nông cần quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, xử lý nghiêm khắc những người, đơn vị được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, đừng để tái diễn tình trạng “giơ cao đánh khẽ”.