Xây dựng Hà Giang thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia

ThienNhien.Net – Theo Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: Đảng bộ tỉnh Hà Giang đang tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện của Hà Giang trong Chương trình 30a của Chính phủ, phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia trong giai đoạn từ năm 2013-2020.

Là tỉnh miền núi vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình bị chia cắt với nhiều tiểu vùng có điều kiện khí hậu rất khác nhau, điều kiện sản xuất và sinh hoạt hết sức khó khăn. Đến nay Hà Giang vẫn còn 6/11 huyện, thành phố được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a thuộc diện nghèo nhất cả nước. 6 huyện nghèo của tỉnh nằm trong Chương trình 30a có 112 xã thì có tới 94 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện tích của 6 huyện chiếm 45% diện tích của cả tỉnh, nhưng chủ yếu là núi đá và núi đất có độ dốc lớn, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Được thiên nhiên ưu đãi, 6 huyện nằm trong Chương trình 30a của Hà Giang lại có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển. Qua kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện Dược liệu và Viện Rau quả Trung ương cho thấy: Vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang lại rất phù hợp để trồng cây dược liệu.

Nhiều loại cây dược liệu quý đã sinh trưởng và phát triển tốt tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ) mở ra cơ hội mới cho việc triển dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện nghèo 30a của Hà Giang
Nhiều loại cây dược liệu quý đã sinh trưởng và phát triển tốt tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ) mở ra cơ hội mới cho việc triển dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện nghèo 30a của Hà Giang

Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nhân lực, đầu năm 2012 được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh đã triển khai dự án “Rau, hoa, cây dược liệu” tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ). Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại đây như: Thảo quả, Hương thảo, Ấu tẩu, Giảo cổ lam, Atiso, Bạch chỉ… đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển xanh tươi trên vùng đất Cao nguyên đá. Với quy mô sản xuất khoảng 100 ha, Công ty đã xuống giống khoảng 30 loại giống dược liệu, trong đó có 20 loại thuộc danh mục dược liệu khuyến khích sản xuất của Bộ Y tế. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, với mức lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.

Với những thành công ban đầu của mô hình dự án trồng cây dược liệu tại xã Quyết Tiến – huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xin Chính phủ lập dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện nghèo 30a. Mới đây Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện trong Chương trình 30a của tỉnh, bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Hà Giang hiện có trên 1.000 loài dược liệu với tổng diện tích 7.939 ha. Tiêu biểu là các loại: Thảo quả, Hương thảo, Giảo cổ lam, Đỗ trọng, Đương quy, Thiên niên kiện… phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh. Dự án “Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo” tại 6 huyện nghèo 30a sẽ được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện theo hướng lồng ghép các dự án, chương trình đã có trên địa bàn. Đặc biệt, dự án còn có sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Viện Dược liệu, Viện Rau quả Trung ương phối hợp với địa phương triển khai.

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: Trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hà Giang sẽ tiến hành chăm sóc, bảo vệ trên 3.000 ha cây dược liệu được trồng mới; cải tạo, chăm sóc trên 6.400 ha diện tích cây dược liệu lâu năm hiện có và trồng mới 4.000 ha. Tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển cây dược liệu bền vững với hình thức liên doanh chặt chẽ từ tư vấn chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên cho thuê đất, xây dựng nhà xưởng chế biến khi có sản phẩm thu hoạch. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ hàng năm, tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) với mức đầu tư dự án trên 28 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Hà Giang sẽ triển khai dự án quy mô phát triển 10.000 ha cây dược liệu tại 6 huyện nghèo trong Chương trình 30a. Qua đó sẽ giải quyết việc làm cho khoảng trên 50.000 lao động hàng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh, dự kiến từ 150 – 200 triệu đồng/ha từ việc thu mua dược liệu. Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình 30a của Chính phủ, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia, phấn đấu sớm thoát ra khỏi một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển, xứng đáng là điểm sáng nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.