“Xới” toàn diện vấn đề về đất đai

ThienNhien.Net – Dành trọn cả một ngày để thảo luận nhưng vẫn còn tới 17 vị đại biểu lỡ dịp phát biểu trực tiếp tại nghị trường xung quanh những vấn đề liên quan tới dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những khía cạnh được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là Nhà nước nên trưng mua quyền sử dụng đất của người dân thay vì quy định thu hồi.

Nên trưng mua thay vì thu hồi

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, có gần 800.000 lượt ý kiến liên quan đến việc đề nghị thay cơ chế thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua đất đối với dự án phát triển kinh tế – xã hội nhưng đã không được tiếp thu.

Lý giải về điều này, trong phần báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa dự luật tại phiên thảo luận ngày 17/6, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Nhà nước sẽ tiếp tục thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện của các dự án này. Việc thu hồi đất là để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), lý do Ban soạn thảo từ chối tiếp thu là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục. “Tôi cho rằng chúng ta đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Tôi hoàn toàn đồng ý với Ban soạn thảo là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác. Khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất” – ông Vinh cho hay.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc, đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng, không phải sở hữu của Nhà nước như lâu nay chúng ta đã đánh đồng hai làm một là thu hồi tất. Vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân. Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng: “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Do đó, quy định nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nhà nước phải trưng mua, bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất”.

Riêng với trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Thụy đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh được các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn những dự án mang tính kinh tế đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng đề nghị dự luật cần xác định rõ các tiêu chí phân biệt các dự án phát triển kinh tế – xã hội thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất với các dự án đầu tư kinh doanh khác, vì nếu không sẽ dẫn tới sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật, khó khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan.

Với gần 7 triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân chỉ sau hơn 2 tháng lấy ý kiến, có thể nói dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những tâm điểm chú ý ý trong kỳ họp Quốc hội lần này (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những tâm điểm được chú ý nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Cần luật hóa trách nhiệm cơ quan thu hồi đất

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế), việc thu hồi đất đối với cá nhân và tổ chức rất hệ trọng vì làm ảnh hưởng căn bản đến đời sống người bị thu hồi đất. Do đó, trong Luật phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước quyết định của mình để tránh lạm dụng cũng như làm sai, ảnh hưởng đến lợi ích người bị thu hồi.

Về vấn đề cưỡng chế, ông Mạo cũng đề nghị nhà nước phải quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. “Chúng ta cũng nghe vụ Tiên Lãng rồi, phải nói chuyện này nếu Thủ tướng không có ý kiến chắc cũng êm rồi, người bị cưỡng chế đi kiện chắc cũng khó đưa vụ kiện này ra mà thắng được” – ông Mạo dẫn chứng.

Cùng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị bổ sung vào Mục 2 Chương VII quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa chữa, đính chính, khắc phục các sai sót khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Mặt khác, cần quy định rõ về các trường hợp thu hồi giấy biên nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp cơ quan nào cấp giấy chứng nhận sai cho người sử dụng đất thì phải có trách nhiệm bồi thường.

Không nên cho thuê theo bảng giá đất

Ngoài những vấn đề nêu trên thì giá đất cũng là một nội dung thu hút tranh luận.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), nếu quy định “nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm được xác định trên cơ sở giá đất được quy định tại Bảng giá đất” như trong dự luật thì sẽ không đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước từ đất đai vì khi thu hồi đất nhà nước đã bồi thường theo giá thị trường, tức là mua theo giá cao, nếu cho thuê theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định sẽ thấp hơn rất nhiều so với thị trường, tức là bán theo giá thấp.

Cũng theo đại biểu Thụy, không cần thiết phải có quy định riêng về tư vấn định giá đất trong dự thảo luật mà trong tương lai nên thành lập cơ quan thẩm định giá độc lập để đảm bảo tính khách quan trong công tác định giá đất nói chung và tư vấn, định giá đất nói riêng.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cũng đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác; giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn.

Về cơ chế tài chính trong thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị mức giá bồi thường hỗ trợ và tái định cư phải do cấp nhà nước có thẩm quyền áp dụng giá nhà nước theo quy định, tránh tình trạng áp dụng hai giá như là tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người bị thu hồi đất.

Không nên lập quỹ phát triển đất

Cả đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) và đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đều cho rằng, việc thành lập quỹ và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, gây phân tán nguồn lực tài chính từ đất đai, tăng bộ máy và biên chế. Do đó, đề nghị không quy định thành lập quỹ phát triển đất. Nếu trường hợp thành lập quỹ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo hướng gộp chung các loại quỹ hiện có của địa phương để tăng quy mô quỹ, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí không tăng thêm biên chế bộ máy quản lý.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bổ sung: “Mục đích lập quỹ là để chi cho bồi thường hỗ trợ tái định cư, đầu tư phát triển… thì không phù hợp và làm phân tán nguồn lực tài chính cũng như làm tăng thêm biên chế, tổ chức bộ máy. Tôi đề nghị để tinh gọn bộ máy cần phải chuyển hoá nhiệm vụ của tổ chức phát triển quỹ đất vào Ban Quản lý các dự án đầu tư hiện có của các địa phương. Không nên hình thành thêm quỹ phát triển đất nếu có các nguồn thu từ đất và cần thiết phải trích lập quỹ thì nên đưa vào quản lý chung tại quỹ đầu tư phát triển của địa phương hiện có để tập trung nguồn lực tài chính sử dụng có hiệu quả cao hơn theo yêu cầu nhiệm vụ phát triển chung của địa phương đó”.

Không nên bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã

Về đề nghị bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã như trong dự thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị phải giữ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp xã như luật hiện hành vì cấp xã hiểu biết đầy đủ nhất về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương và do đó cấp xã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phù hợp. Nếu lồng ghép quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ rất khó khăn cho địa phương, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ trở lên cồng kềnh, phức tạp và gặp khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng đồng tình với đề xuất này. Bà cho rằng, nếu bỏ quy hoạch cấp xã thì trong Khoản 1, Điều 40 về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện cần bổ sung căn cứ quy hoạch thì phải thể hiện được là trên cơ sở căn cứ chi tiết của cấp xã, hoặc là của các phường thị trấn, để cho luật chặt chẽ và đầy đủ hơn, chúng ta quy hoạch 3 cấp, từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện thì nó bao trùm cả cấp xã trong một hệ thống quy hoạch.

Đa dạng hình thức trả tiền bồi thường thu hồi đất 

Về bồi thường khi thu hồi đất, theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Nhà nước cần chịu trách nhiệm đa dạng hình thức trả tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất, có thể nhận tiền bồi thường một lần và cũng có thể nhận tiền bồi thường nhiều lần. Sở dĩ như vậy, vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ sở hữu đất khi nhà nước thu hồi thuộc thế hệ người cao tuổi sống nhờ vào tiền cho thuê một phần ngôi nhà, đất đai đang ở.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Ngoài ra, cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, và Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất và cơ chế tự thỏa thuận về giá đất bồi thường giữa doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi.

Riêng đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thì đề nghị dự thảo bổ sung nguyên tắc trước khi thu hồi đất phải lập phương án tái định cư rõ ràng để tránh những vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực thẩm quyền chịu trách nhiệm.

Cân nhắc quy trình giao, cho thuê các loại đất

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm của các tổ chức đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí đất đai, đồng thời đưa ra cơ chế để không phát sinh thêm những trường hợp mới bằng các quy định.

Về trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào các mục đích khác, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho hay, ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 điều này thì các trường hợp trên còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó là cần thiết với các dự án quy mô lớn, nhưng sẽ khó khả thi với các dự án quy mô nhỏ, lẻ, nếu phải chờ văn bản chấp thuận của Chính phủ sẽ rất chậm, việc này nên phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước các cơ quan cấp trên đối với đất bãi bồi ven sông, bãi biển nên để cấp xã quản lý sẽ sát sao hơn để cấp huyện quản lý sẽ rộng. Mặt khác, đề nghị dự luật nên quy định các cơ sở tôn giáo cũng phải đóng tiền thuê đất, bởi vì cơ sở dân dã cũng giống như một tổ chức chính trị xã hội.

Khuyến khích tự hòa giải tranh chấp đất

Để khắc phục những bất cập trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định thủ tục hòa giải, tranh chấp đất đai theo hướng khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành hòa giải nhưng không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện ra tòa án.

Về thành phần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai, đại biểu Trường đề nghị dự thảo cần quy định rõ thành phần tham gia hòa giải bao gồm những tổ chức nào, cụ thể để tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất thủ tục này, đồng thời là cơ sở pháp lý để Tòa án xác định thủ tục hòa giải đã được tiến hành đúng quy định hay chưa, để xác định hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải.