Cần sớm tham gia Công ước về sử dụng nguồn nước

ThienNhien.Net – Tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997, các chuyên gia đều có chung ý kiến cần sớm nghiên cứu, xem xét để tham gia Công ước, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Hội thảo do Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu (CEWAREC) tổ chức tại Hải Phòng ngày 17/6.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về tài nguyên nước, lưu vực sông cùng đại diện Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, WWF Việt Nam, Cục quản lý tài nguyên nước và nhiều địa phương trong cả nước.

Sông Hậu chảy trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Sông Hậu chảy trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm ở hạ lưu nhiều sông lớn, bởi vậy việc tham gia Công ước quốc tế về sử dụng nguồn nước phi giao thông không chỉ là yếu tố sống còn trong việc ngăn chặn xả nước ồ ạt gây ngập lụt lớn ở hạ du về mùa mưa, mà còn đảm bảo nhu cầu nước tưới, phát triển tại các vùng đồng bằng và bảo vệ môi trường sinh thái về mùa khô.

Cũng theo ông Nguyễn Ân Niên, việc tham gia Công ước sẽ là môi trường tốt buộc Việt Nam phải hoàn thiện công tác quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên này như lập quy hoạch và quản lý lưu vực sông, tiến tới lập Ủy ban các lưu vực sông…

Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997 về sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đảm bảo việc sử dụng, phát triển, quản lý, bảo tồn và bảo vệ nguồn nước quốc tế và thúc đẩy tối ưu, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này.

Công ước còn khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và quan hệ láng giềng tốt trong lĩnh vực này, nhận thức được tình hình và nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển.

Công ước sẽ có hiệu lực sau khi có đủ 35 nước thông qua hay thừa nhận. Hiện đã có 30 quốc gia phê chuẩn Công ước này.