Tìm đường sống cho cá quý nước ngọt – Kỳ 1

ThienNhien.Net –  Nhu cầu tiêu dùng quá mức, lối khai thác tận diệt và tác động từ các dự án phát triển đã đẩy nhiều loài cá quý nước ngọt đến bờ tuyệt chủng. Điều này đã đặt ra bài toán đau đầu cho các nhà quản lý: Làm thế nào để bảo tồn những nguồn gien hiếm hoi của các loài cá quý nước ngọt trước khi chúng vĩnh viễn biến mất !?

Nuối tiếc muộn màng

Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với đoạn sông Krông Ana, một trong hai chi lưu của sông Sêrêpôk dồi dào tôm cá, dào dạt chảy dưới tán rừng bốn mùa hoa lá muôn màu. Phía thượng nguồn, giữa um tùm lau lách có một đầm lầy khá rộng gọi là Bàu Sấu. Ở đó, mỗi sáng hàng trăm con cá sấu trườn lên bờ ghếch mõm tựa lên tấm lưng sần sùi của nhau phơi nắng. Bầy trẻ nghịch ngợm mấy cũng chẳng dám lại gần, chỉ len lén trèo lên ngọn cây tít xa ngó lại, chỉ thấy những tảng vảy nâu đen lổm ngổm xê dịch như đống củi mục biết bò.

Bàu Sấu bình yên chẳng bao lâu thì những công nông lâm trường mọc lên quanh vùng. Sau mỗi tiếng mìn nổ phía bàu, bao giờ cũng có những nhóm người khiêng hoặc gánh những con cá sấu nặng hàng tạ, đuôi dài thõng thượt vào xóm làng rao bán. Kèm theo đó còn có rùa, rắn, ba ba, nhiều loại đặc sản khác như cá lăng đuôi đỏ, cá trà sóc, sọc dưa, mõm trâu, loài nào thịt cũng thơm ngon, dai giòn, trắng mịn …

Ba mươi năm trôi qua, khi xã hội đã ngấm dần ý thức phải ngăn chặn các kiểu khai thác mang tính hủy diệt như ném mìn, rà điện, đánh lưới dày mắt, khai thác vào mùa sinh sản v.v…thì nhiều đoạn sông đã chẳng còn loài đặc sản nào tồn tại.

Bảo tàng Thiên nhiên VN khẳng định: cá thể cá sấu Xiêm cuối cùng trên đất Việt đã bị giết chết tại bàu Hà Lâm huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên từ cuối năm 2012. Có nghĩa là loài cá sấu Xiêm hoang dã đã bị ít nhất một cơ quan chức năng tuyên bố công khai là tuyệt chủng trên mọi vùng miền đất nước ! Ngay tại những vùng quy hoạch bảo tồn mà Chính phủ phê duyệt từ lâu dự kiến sẽ xây dựng trên Tây Nguyên như Bàu Sấu, hồ Lắk, loài cá sấu Xiêm cũng đã biến mất hẳn trước khi khu bảo tồn hội tụ đủ điều kiện để được công nhận.

Những câu chuyện tương tự với nhiều loài thủy sản quý giá khác cũng từng xảy ra trên cả 9 hệ thống sông lớn của cả nước (Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Thái Bình, sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Thu Bồn- Vu Gia, sông Ba, sông Đồng Nai và sông Mê Kông), chia thành 2.360 sông con và kênh rạch lớn nhỏ chảy khắp 3 miền.

Nhờ mạng lưới sông ngòi dày đặc này mà người Việt nghìn năm qua ngoài hải sản Biển Đông còn có trong bữa ăn những món ngon và bổ dưỡng từ nguồn thủy sản nước ngọt đa dạng, tươi ròng. Tuy nhiên, chỉ trong vài thập kỷ trở lại đây, các loại cá quý trong tự nhiên đã và đang lần lượt thưa vắng với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Ở huyện Sơn Tịnh-Quảng Ngãi, lâu nay đặc sản cá bống sông Trà nhỏ bằng nửa mút đầu đũa, kho keo thơm ngon đậm đà của xứ này do đẻ không kịp với đà xúc nên thường bị đánh tráo bằng … cá bống Quảng Nam. Còn huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk, món đặc sản chả cá thát lát hồ Lắk bây giờ toàn làm bằng cá thát lát nuôi nhập từ nơi khác về.

Cá tiến vua vùng ngã ba sông Việt Trì có lúc bị hét giá tới đôi ba triệu đồng mỗi ký vẫn không có nguồn cung. Còn cá sủ vàng dạt về từ thượng nguồn Mê Kông mắc vào lưới ngư dân nào, nhà ấy được coi như vừa trúng số !

Trong khi không ít chuyên gia thủy sản thú thực nhiều loài cá quý hiếm chỉ nghe tên chứ chưa được thấy, thì trong một số nhà hàng đầu mối lại dồi dào “ thứ gì cũng có” miễn chưa tuyệt chủng.

Mới đây, trong một nhà hàng nướng đường Nguyễn Khuyến nội thành Buôn Ma Thuột, tôi chụp được những tấm ảnh hội tụ một lúc cả 4 con cá quý cỡ lớn là đặc sản bây giờ đã trở nên rất hiếm thấy trên sông Srêpôk: Cá lăng đỏ đuôi, mõm trâu đen, mõm trâu vàng, và cá sọc dưa.

Cả 4 loài cá quý sông Sêrêppôk hội tụ trong một bếp nhà hàng
Cả 4 loài cá quý sông Srêppôk hội tụ trong một bếp nhà hàng

Dưới chân cầu Krông Nô bên quốc lộ 27 đi từ Buôn Ma Thuột sang Lâm Đồng, ai qua lại cũng chứng kiến những cụm nhà bè của dân sông nước miền Tây neo đậu bên những chiếc thuyền gắn bộ kích điện đầu mũi. Còn lần ghé thăm thác Dray K’Nao huyện M’đrăk, tỉnh Đắk Lắk giáp ranh tỉnh Khánh Hòa, cú bấm máy tình cờ của tôi không ngờ chộp đúng cảnh “ngư tặc” đang sử dụng cần rà điện để bắt nướng những con cá bảy màu xinh xắn nhỏ chỉ bằng ngón tay út ngay giữa lòng thác thơ mộng.

Bẫy cá bằng điện dưới chân cầu Krông Nô
Bẫy cá bằng điện dưới chân cầu Krông Nô

Nỗi lo từ thủy điện

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy vong và biến mất của những loài thủy sản quý hiếm trên các lưu vực sông, có nguyên nhân từ phát triển thủy điện ồ ạt với việc tạo các đập chặn dòng làm hồ chứa cho các công trình.

Những bức tranh thủy điện lý tưởng được vẽ ra với viễn cảnh thắp sáng cho cả nông thôn lẫn thành thị, hài hòa cung cấp nước cho cả phát điện và tưới tiêu, khiến lũ giảm trong mùa lũ, hạn giảm trong mùa hạn, tận dụng cảnh quan hồ chứa để phát triển du lịch sinh thái nâng cao đời sống người dân tại chỗ, và còn rất nhiều hứa hẹn khác nữa.

Nhưng thực tế thì sao? Nhiều công trình đập ngăn dòng ngay khi vừa hoàn tất, người ta đã quên hết tính chất “đa mục tiêu kia, đa lợi ích” của nó, chỉ còn nghĩ đến làm sao khai thác được lợi ích kinh tế cao nhất.

Cửa xả nước sau đập chặn dòng thượng nguồn Srêpôk
Cửa xả nước sau đập chặn dòng thượng nguồn Srêpôk

Srêpôk là dòng sông lớn thứ hai trên Tây Nguyên (sau sông Sê San), đồng thời là chi lưu đổ về sông mẹ Mê Kông, có chiều dài 315 km và diện tích lưu vực 30.100km2. Srêpôk không đổ ra biển Đông như đa phần các con sông khác mà chảy ngược vào trong đất liền sang Campuchia, chảy vòng vèo hết cao nguyên tới đồng bằng rồi mới hòa vào dòng Mê Kông nên còn được gọi là dòng sông chảy ngược.

Trên quãng chiều dài 125 km của Srêpôk chảy qua địa bàn 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông nay đã có tới 6 con đập chắn dòng tạo hồ chứa thủy điện. Theo quy hoạch đã được duyệt, đập chắn sông thứ 7 và là đập cuối cùng trên Srêpôk thuộc về công trình thủy điện Đrăng Phôk, hiện chưa thi công.

Cả bảy công trình này đang gây quan ngại bởi tác động tiêu cực lên sông Srêpốk không hề nhỏ. Ảnh hưởng dữ dội nhất trong số đó phải kể đến thủy điện Srêpôk 4A (S4A), xây dựng theo lối tận thu nguồn nước từ bậc thang thủy điện phía trên dẫn sang kênh đào để tạo độ chênh lệch cho cột nước, tách khỏi lòng sông chính một đoạn dài đến 20 km. Đoạn sông cong bị mất dòng này vốn là một phần ranh giới tự nhiên giữa vùng đệm với vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

“Dòng chảy sinh thái” – một cụm từ vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu lâu nay – được vận dụng để thuyết phục, rằng đoạn sông bị mất dòng trong mùa khô vẫn được thủy điện S4A bảo đảm trả lại một lưu lượng nước tối thiểu là 8,23m3/s, cộng với khoảng 9m3/s nước bổ sung bởi vài con suối nhỏ nếu các suối này không khô cạn. Nhưng so với độ rộng mênh mang của lòng sông có dòng chảy cuồn cuộn từ ngàn xưa từ vài trăm đến hàng nghìn mét khối nước trong mỗi giây, thì cái gọi là dòng chảy sinh thái kia về mùa khô còn chưa đủ “tráng lòng sông”, làm sao các loài thủy sản có thể sống sót?

Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ra ngày 29/3/2010 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định những công trình xây dựng trái phép nào phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản sẽ bị cảnh cáo, bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng, có thể bị buộc tháo dỡ công trình.v.v. Nhưng hầu hết các đập chặn dòng để làm thủy lợi, thủy điện đều là công trình được cấp phép, nên không phải bận tâm về việc bị xử phạt. Mà dẫu có bị phạt, thì mức tột khung 10 triệu đồng chả là gì so với tổng vốn đầu tư xây dựng công trình trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ.

Thảm họa tương tự đang tiếp diễn với công trình thủy điện Thượng Kon Tum đang thi công đập ngăn sông Đắk Snghé trên thượng nguồn, tạo thành một hồ chứa dung tích 145 triệu m3 nước phía Bắc Tây Nguyên.

Theo thiết kế, một đường hầm dài khoảng 17km được xây dựng để dẫn nước từ dòng chính đến nơi phát điện, sau đó nước không về lại sông Đắk Snghé mà đổ sang lưu vực sông Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Khi đó, thảm họa thiếu nước trên toàn vùng hạ lưu sông Đắk Snghé sẽ hủy diệt hệ thủy sinh. Con sông Đắk Bla duyên dáng uốn cong giữa lòng thị xã Kon Tum, là nguồn cung cấp nước sạch cho cư dân thành phố vốn nhận khoảng 60% nước từ Đắk Snghé có nguy cơ chết dần. Nước cho người còn chưa biết bù đắp bằng nguồn nào, thì mong gì có phần nuôi dưỡng tôm cá ?

Nhìn từ Srêpôk thì thấy những lo lắng suy kiệt nguồn thủy sản của dòng sông mẹ Mê Kông được cảnh báo lâu nay khi các dự án thủy điện lớn nhỏ lần lượt xuất hiện tạo thành những nấc thang ngắt khúc dòng chảy, âu cũng không phải là lo xa.

Cầu thang nào cho cá?

Ở một số quốc gia, người ta đã tính đến giải pháp thiết kế lối di chuyển dành riêng cho cá để giảm thiểu tác động của việc thủy điện ngăn dòng. Liệu giải pháp cầu thang cá này có thể áp dụng được ở Việt Nam hay không?

Công trình xây đường cá đi đang thi công ở tỉnh Bolikhamxay
Công trình xây đường cá đi đang thi công ở tỉnh Bolikhamxay

Ts. Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Đập lớn VN cho biết : Quy chuẩn quốc gia VN 04-05 ban hành ngày 26/6/2012 quy định lưu lượng dòng chảy sinh thái mà công trình (thủy điện-PV) phải trả cho vùng hạ lưu tối thiểu 90% lưu lượng mùa khô, tùy theo yêu cầu sử dụng, một số đập chặn dòng phải chú ý thiết kế thêm cửa ngăn nước, cửa xả nước, cửa lấy nước, công trình giao thông thủy, phải chừa đường cá đi. Tuy nhiên, là người đã gắn bó nửa thế kỷ với ngành thủy lợi thủy điện, ông chưa từng thấy đập ngăn dòng nào ở Việt Nam có chừa đường cá đi.

Một số kiểu đường dẫn cá đi

Kĩ sư Nguyễn Quyền, một chuyên gia về thủy lợi và thủy điện, chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, chia sẻ: Việc xây dựng đường cá đi ở các đập ngăn sông có chiều cao lớn luôn cần thiết, nhằm đảm bảo việc đi lại sinh sản tự nhiên cho các loài cá, nhất là những loài cá có tập quán di chuyển ngược dòng trong quá trình sinh sản.

Theo ông, có nhiều dạng công trình tạo đường cho cá di chuyển vượt qua những đập cao trong các giáo trình thủy công. Dạng cấu tạo theo kiểu âu thuyền giúp cá lên xuống theo sự đóng mở cửa ra vào từng đợt, có dạng bậc nước hoặc dốc nước giúp cá lên xuống tự do. Tuy nhiên kiểu xây đường cá đi nào cũng rất tốn kém và thường xuyên phải xả mất một lượng nước vô công qua đập, với thủy điện điều đó tương ứng với việc mất đi một sản lượng điện đáng kể, mà nước ta lại chưa có quy định nào bắt buộc khi xây dựng các đập cao phải làm đường cá đi. Vậy nên các nhà đầu tư dễ … quên !

Kĩ sư Quyền cũng cho rằng cho đến nay Việt Nam chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào đánh giá đầy đủ các ảnh hưởng do đập chặn dòng gây ra đối với hệ thủy sản. Cả vạn hồ đập trên cả nước chưa có công trình nào lưu tâm làm đường cá đi. Do vậy, hướng khả thi hơn cả là nên đầu tư vào việc nghiên cứu bảo tồn thuần dưỡng các loài cá có giá trị cao, và tận dụng các hồ đập thủy lợi thủy điện đang tồn tại để nuôi cá.