Cứu loài thông hai lá dẹt

ThienNhien.Net – Thông tin từ trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng và vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cho biết: nghiệm thu bước đầu chương trình nghiên cứu đặc điểm sinh học của thông hai lá dẹt và trồng thử nghiệm loài thông này trên đỉnh Bidoup (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã cho kết quả khả quan.

Chỉ còn ở Việt Nam

ThS Lê Văn Hương, giám đốc vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, cho biết công việc nghiên cứu và trồng thử nghiệm thông hai lá dẹt được bắt đầu từ năm 2007. Mặc dù rừng ở Lâm Đồng có các quần thể thông hai lá dẹt phân bố tự nhiên, nhưng khả năng tái sinh tự nhiên của chúng rất kém. Do đó, không thể áp dụng phương pháp bảo tồn tại chỗ mà cần đến phương pháp bảo tồn ngoại vi, bằng cách thu thập hạt giống thông hai lá dẹt để gây trồng ngoài vùng phân bố tự nhiên.

Khi mới bắt đầu, các nhà khoa học dùng phương áp ươm hạt nhưng số lượng cây giống không nhiều và khi đem trồng thử nghiệm ở một số nơi, tỷ lệ cây sống rất thấp. Từ năm 2009, nhờ kỹ thuật nhân giống vô tính (in vitro) nên việc tạo ra cây con khá dễ dàng. Sau một thời gian trồng thử nghiệm thông hai lá dẹt, với diện tích 2ha dưới tán rừng và 1ha trên đất trống, ở độ cao 1.500 đến trên 2.000m của khu vực rừng Bidoup (giáp ranh Lâm Đồng và Khánh Hoà), đến cuối tháng 5 vừa qua tỷ lệ cây sống thành rừng đạt khá cao, “chứng minh nơi đây chính là xứ sở của loài thông hai lá dẹt”, ThS Hương nói.

Thông hai lá dẹt có tên khoa học Ducampopinus kremfii, thuộc họ thông – pinaceae. Với đặc trưng hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, đây là loài cổ thực vật được giới khoa học quốc tế nhận định xuất hiện cùng thời với khủng long, sau những trận biến động khủng khiếp của trái đất hàng chục triệu năm trước, nhiều sinh vật biến mất chỉ còn sót lại vài loài trong đó có thông hai lá dẹt. Hiện loài thông này được xếp loại hiếm, mức độ đe doạ bậc R (có thể nguy cấp, đe doạ tuyệt chủng do thu hẹp môi trường sống là rừng) và chỉ còn độc nhất ở Việt Nam.

060613_BTTN_Thong2ladet

Hãy giúp “thông đứng giữa trời mà reo”

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, viện trưởng viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, ban đầu loài thông quý hiếm hai lá dẹt được gọi là Pinus krempfii H. Lec. (thuộc họ abietaceae), mang tên nhà thực vật học người Đức M. Krempf, người đầu tiên thu mẫu vật thông hai lá dẹt ở thượng nguồn sông Mao trên độ cao 1.350m. Sau này, nhà thực vật học Pháp A. Chevalier lấy tên Ducamp (một quản đốc thuỷ lâm người Pháp, người tổ chức nên cục Lâm nghiệp ở Đông Dương) đặt cho loài này là Ducampopinus krempfii (Lec) A. Chev. Người ta còn gọi loài thông này với tên thông Sré, thông Sri.

Trong công trình Thực vật học đại cương của Đông Dương, tác giả Hickel cho biết thông hai lá dẹt gặp ở độ cao 1.200 – 1.500m tại một vài khu phân bố chính ở Lâm Đồng, song nơi dễ tiếp cận nhất là vùng Cổng trời trên dãy Hòn Nga thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương. Theo một số tài liệu khoa học, thông hai lá dẹt còn có thể thấy ở một số nơi khác thuộc Lâm Đồng và Khánh Hoà: Poilane đã tìm thấy loài thông này ở vùng phụ cận Nha Trang và ở Đơn Dương; M. Schmid và Trương Văn Lên thấy có ở Suối Vàng, gần Đà Lạt; Lê Kim Biên thu được mẫu ở đèo Ngoạn Mục; Phùng Mỹ Trung tìm thấy loài này ở vườn quốc gia Chư Yang Sin…

Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, đường kính chỉ tăng khoảng 1mm/năm nên nếu cây có đường kính 2,5m thì tuổi có thể tới 1.000 năm, hoặc ít ra cũng hàng trăm năm. “Tuy nhiên do rừng bị phá để làm nương, các rừng thông hai lá dẹt đang bị đe doạ, nhiều cây bị mất môi trường sinh sống tối ưu nên chết rụi, nhiều cây quá già cũng tự đổ gãy. Tái sinh tự nhiên hầu như chỉ hạn chế ở giai đoạn cây mầm, lại gặp chủ yếu ở nơi có khoảng trống, ven đường. Mặt khác lại thiếu vắng các cây tái sinh ở tuổi trung gian, nên khó đủ sức thay thế những cánh rừng thông hai lá dẹt cổ thụ đang tồn tại”, PGS Nghĩa nhận xét. Theo PGS Nghĩa, khó khăn cơ bản vẫn là vốn đầu tư cho công tác bảo vệ, đầu tư cho dân trồng rừng ở các vùng đệm, đầu tư quy hoạch và đưa dân vào cuộc sống ổn định, bảo đảm thu nhập vì có như vậy mới tránh được việc đốt phá rừng làm nương rẫy.

“Mặc dù mới là những bước đầu tiên, song công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng chắc chắn sẽ có những đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ những nguồn gen quý hiếm của đất nước”, PGS Nghĩa nói.

Thông hai lá dẹt thường gặp rải rác như những đại thụ cao trên dưới 30m, đường kính có thể đạt 1,5 – 1,6m, đôi khi tới 2m. Tán của cây khá rộng, dày, sẫm màu và có hình rẻ quạt. Đoạn thân dưới cành lớn, hầu như không có cành nhánh, tròn đều và đâm thẳng vào tán lá. Hạt màu nâu nhạt và có cánh trắng, khi chín hạt có thể phát tán trong phạm vi tương đối rộng và nón trái còn tồn tại một thời gian trên cây. Trái chín vào mùa mưa là một khó khăn lớn đối với việc thu thập hạt, vì khó đến được rừng để xem xét và thu hái đúng thời gian.