Lào Cai nghiên cứu bảo tồn loài Bách tán Đài Loan

ThienNhien.Net – Bách tán Đài Loan (Taiwania cryptomerioides) là cây gỗ thường xanh thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), có vùng phân bố trải dài từ Bắc Myanma qua phần lục địa của nam Trung Quốc.

Tại Việt Nam, chúng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2002 tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, sau đó tiếp tục được tìm thấy tại vùng giáp ranh ở thôn Phình Ngài và Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái.

Theo đánh giá của các nhà khoa học(*), Bách tán Đài Loan đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân về sinh thái, kinh tế và xã hội. Hiện chúng được xếp vào nhóm IA, tức nhóm thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Bách tán Đài Loan ở Lào Cai (Ảnh: Minh Xuân)

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu bảo tồn loài Bách tán Đài Loan đang có nguy cơ tuyệt chủng tại huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai” do chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai thực hiện, địa điểm triển khai tại Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn.

Mục tiêu của đề tài nhằm bảo tồn tại chỗ quần thể Bách tán Đài Loan mọc tự nhiên và bảo tồn chuyển chỗ đến nơi sống phù hợp với đặc tính sinh thái của loài Bách Tán để gia tăng số lượng, giảm nguy cơ tuyệt chủng.

Bước đầu, cơ quan thực hiện đã xác định vị trí phân bố của 20 cây Bách Tán Đài Loan, tiến hành ươm trồng được 130 cây chiều cao đạt 3-7 cm. Hiện nhóm đang xúc tiến điều tra quy hoạch và lập bản đồ phân bố, xây dựng cơ sở dữ liệu các cây Bách tán Đài Loan mọc tự nhiên để phục vụ bảo tồn tại chỗ và đánh giá cây trội.

Giai đoạn tiếp theo, đề tài sẽ xây dựng mô hình bảo tồn chuyển chỗ, quy hoạch và trồng khoảng 3ha Bách Tán Đài Loan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật thu hái hạt giống, quy trình nhân giống và trồng loài Bách Tán Đài Loan.

(*) Nghiên cứu “Đánh giá các mối đe dọa đối với loài Bách tán Đài Loan kín ở huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai” do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) – Dự án Hoàng Liên Sơn thực hiện năm 2004.