“Cơn bão hoàn hảo” bắt nguồn từ VQG Cát Tiên

ThienNhien.Net – Dù chưa có quyết định cuối cùng, song bản đánh giá của Ủy Ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO mới công bố cho thấy Vườn Quốc gia Cát Tiên có thể sẽ không được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Để nhìn nhận rõ hơn về câu chuyện này và rộng hơn nữa là về công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Jake Bruner, Điều phối viên Chương trình khu vực (Việt Nam, Campuchia và Myanmar) của IUCN – tổ chức tư vấn khoa học cho UNESCO, đã trực tiếp đánh giá và đưa ra đề xuất đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.

PV: Xin ông cho biết đánh giá của IUCN có vai trò như thế nào đối với quyết định của UNESCO liên quan đến việc công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới?

Ông Jake Brunner (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Jake Brunner (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với tư cách là cố vấn khoa học của UNESCO, IUCN đã đề xuất không công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn do UNESCO đưa ra.

PV: Theo khuyến cáo từ Bản đánh giá, Việt Nam cần thúc đẩy các kế hoạch quản lý, chống lại các mối đe dọa như thủy điện, khai thác đá, du lịch thiếu kiểm soát, buôn bán và săn bắt động vật hoang dã. Liệu Việt Nam có thể khắc phục các vấn đề này và tiếp tục đệ trình hồ sơ vào lần tới không?

Có lẽ IUCN sẽ không đề xuất công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới vì giá trị đa dạng sinh học của VQG này chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của một di sản thiên nhiên thế giới, chưa kể đến mối đe dọa từ các đập thủy điện đã được lên kế hoạch. Nếu các nỗ lực bảo tồn được phát huy hiệu quả từ 10 năm trước và hiện giờ các bạn có một quần thế tê giác sinh sống ở đó thì hồ sơ của VQG Cát Tiên đã thuyết phục hơn rất nhiều.

Câu chuyện của VQG Cát Tiên và nhiều khu bảo tồn khác cho thấy Việt Nam đã thất bại trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã bị đe dọa trên toàn cầu. Cá nhân tôi chỉ nhìn thấy câu chuyện bảo tồn thành công duy nhất ở Khu Bảo tồn Vân Long, nơi có sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ.

PV: Ông có bình luận gì về khuyến cáo trong bản đánh giá của UNESCO cho rằng Việt Nam nên bảo vệ tốt hơn những danh hiệu đã được quốc tế công nhận đối với khu vực này?

Chính phủ Việt Nam có vẻ rất quan tâm đến các danh hiệu quốc tế nhưng lại dành ít sự quan tâm hơn cho việc thúc đẩy tính hiệu quả của hệ thống quản lý, bảo vệ các giá trị bảo tồn toàn cầu.

Ảnh: Dch.gov.vn
Ảnh: Dch.gov.vn

PV: Ông có nghĩ rằng việc từ chối công nhận đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên có liên quan đến các dự án thủy điện đã được lên kế hoạch là Đồng Nai 6 và 6A?

Tôi không có câu trả lời cho vấn đề này.

Trong một bài phân tích, ông Jake Brunner cho rằng bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo” do ba yếu tố tạo nên.Thứ nhất, là chủ trương ưu tiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kéo dài trong hai thập kỷ qua, dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích giữa đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo tồn ĐDSH.Thứ hai, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nông sản. Hệ quả là việc chuyển đổi ồ ạt, diễn ra trên quy mô lớn, thiếu kiểm soát các hệ sinh thái tự nhiên thành ruộng đồng, ao tôm, đồn điền cao su…, trong khi ô nhiễm công nghiệp cũng trở thành nhân tố chính phá hủy ĐDSH các hệ sinh thái nước ngọt.Thứ ba, yếu tố văn hóa đã góp phần khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp. Ba yếu tố này hội tụ cùng với thực trạng thu hẹp quần thể loài trong tự nhiên đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng.

PV: Liệu có mối liên hệ nào không giữa câu chuyện này với “cơn bão hoàn hảo” mà ông từng mô tả khi nói về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam?

Câu chuyện về “cơn bão hoàn hảo” được lấy cảm hứng từ chính những gì đang diễn ra ở VQG Cát Tiên. Tuy nhiên, quần thể tê giác đã biến mất từ lâu trước khi con tê giác cuối cùng bị bắn chết. Tôi e rằng Việt Nam giờ đây đang bắt đầu phải trả giá cho công tác quản lý bảo tồn thiếu hiệu quả trong 10-20 năm qua. Các loài thú khác như sao la và vọoc Cát Bà cũng có thể sẽ tuyệt chủng trong vòng 10-15 nữa.

PV: Ông có lời khuyên nào cho Việt Nam không? Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy bảo tồn hiệu quả hơn?

Việc 2 lãnh đạo của vườn quốc gia bị bãi nhiệm trong thời gian gần đây có thể coi là một tín hiệu tích cực đối với việc nhìn nhận về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên việc bảo vệ các loài thú bị đe dọa của Việt Nam vẫn cần tới một cuộc cách mạng trong quản lý các khu bảo tồn và xử lý tội phạm liên quan tới động vật hoang dã.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư