Quy hoạch 4 bãi đổ thải cho mỏ than lộ thiên Cẩm Phả

ThienNhien.Net – Sáng 23/5, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về quy hoạch chi tiết bãi đổ thải các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả.

Theo quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, vùng Cẩm Phả có khoảng 16 mỏ và công trường khai thác than lộ thiên đang hoạt động.

Sản lượng than khai thác từ 14-16 triệu tấn/năm, tương ứng khối lượng đất bóc từ 180-200 triệu m3/năm.

Tính đến 31/12/2012, tổng khối lượng đất đá thải còn lại vùng Cẩm Phả là 3,7 tỷ m3, trong đó khối lượng đất đá thải của các mỏ Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Khe Chàm II và Đông Đá Mài chiếm trên 94% tổng khối lượng đất đá thải toàn vùng.

Trong giai đoạn 2013-2020, khối lượng đất đá thải của vùng là 1,9 tỷ m3/năm.

Xuất than ở cảng nổi Hòn Nét (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Xuất than ở cảng nổi Hòn Nét (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần tư vấn, đầu tư Mỏ và Công nghiệp đã trình bày quy hoạch 4 bãi đổ thải dành cho khai thác than lộ thiên tại Cẩm Phả gồm: Bãi thải Đông Cao Sơn; Bàng Nâu; Khe Tam III và Cụm vỉa 14 Khe Tam; Nam Khe Tam và Đông Khe Sim.

Hiện nay, do chưa lập quy hoạch tổng thể khu công nghiệp khai thác than bao gồm khu khai trường và bãi đổ thải nên trong quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều bất cập.

Cụ thể là việc xác định ranh giới các khu vực khai thác hầm lò, lộ thiên, khu vực đổ thải và phân định ranh giới hoàn nguyên môi trường còn khó khăn; vẫn còn xảy ra tỉnh Quảng Ninh trạng chồng lấn ranh giới quy hoạch; chưa xác định được quy chuẩn độ cao các bãi đổ thải…

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và các sở, ngành, địa phương đã tham gia ý kiến, đề xuất giải pháp đối với các bãi đổ thải nhằm phù hợp quy hoạch chung; trong đó tập trung vào một số vấn đề liên quan như: Dân cư quanh khu vực bãi thải, đánh giá tác động về môi trường, bãi đổ thải phải đảm bảo cách xa với đường giao thông…

Kết luận cuộc họp, đối với quy hoạch của mỏ than Đèo Nai và Cọc Sáu, ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trình Sở Xây dựng thẩm định xong trước ngày 10/6, đồng thời thống nhất bãi đổ thải tại 4 vị trí: Nam Khe Tam, Đông Cao Sơn, Dương Huy và Bàng Nâu.

Ông Đỗ Thông cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm làm thủ tục thu tiền sử dụng đất của 2 bãi đổ thải Bàng Nâu và Dương Huy theo đúng quy định của pháp luật.

Với phương pháp đổ thải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất với việc thực hiện đổ từ dưới đổ lên, tránh đổ từ trên xuống gây ô nhiễm môi trường; trồng cây hoàn nguyên môi trường sau khi đổ thải xong từng tầng; quan tâm đến hệ thống thoát nước; chân đổ thải phải xây dựng kiên cố và có kè để bảo vệ… Đồng thời, ông đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định, thống nhất báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc hồ chứa nước Mông Dương không làm ảnh hưởng đến việc khai thác hầm lò.



Tít bài do ThienNhien.Net đặt lại.