Nỗi khổ mang tên… tái định cư

ThienNhien.Net – Những năm qua, thủy điện đã, đang mang lại nguồn thu cho các địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nghịch lý nảy sinh khi chủ đầu tư, chính quyền các địa phương lúng túng trong việc ổn định đời sống và sản xuất lâu dài cho người dân tại các khu tái định cư (TÐC) thủy điện ở miền trung. Từ đó, hệ lụy mà người dân gánh chịu là bất an ở môi trường sống mới, thiếu đất sản xuất, thiếu cơ hội thoát khỏi đói nghèo và rất nhiều những khó khăn khác phát sinh…

Nhức nhối tái nghèo

Mới qua mùa gặt mà ba mẹ con Kpa H’Dưng ở buôn Thống Nhất, xã Suối Trai (Sơn Hòa, Phú Yên) đã phải chạy gạo ăn từng bữa. Trên gác bếp lạnh lẽo của ngôi nhà sàn chưa đầy 6 m2 trống hoác, mấy chiếc nồi nằm chỏng chơ. Ðứa con nhỏ trên tay H’Dưng gầy nhom vì khát sữa, gia đình chị là điển hình sự đói, nghèo của hơn 560 hộ dân phải nhường đất cho các công trình thủy điện (TÐ) trên địa bàn. Mặt thấp thoáng nỗi buồn, H’Dưng chia sẻ: “Dân thiếu gạo ăn và chờ mỏi mòn mới có ruộng khai hoang của chủ đầu tư. Có đất sản xuất đấy nhưng quá cao, dễ sạt lở, bồi lấp, mặt ruộng lại gồ ghề, chưa có bờ lô, bờ thửa thì làm sao gieo trồng lúa để bảo đảm cuộc sống được”.

Sau hơn 10 năm triển khai ba dự án TÐ là Vĩnh Sơn – Sông Hinh, sông Ba Hạ và Krông H’Năng tại hai huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn do không có đất canh tác, thiếu tư liệu sản xuất, tiền đền bù sử dụng không đúng mục đích… dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo gia tăng. Ðể xây dựng ba TÐ, tỉnh Phú Yên phải mất hơn 10 nghìn ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn; hơn 560 hộ dân phải nhường đất di dời về khu TÐC.

Từ đó đến nay, đời sống của 115 hộ dân ở ba khu TÐC thủy điện sông Ba Hạ gặp nhiều khó khăn, có đến 36% số hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, số hộ dân ở xã Suối Trai tái nghèo ngày càng cao, ba phần tư số thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hơn 100 hộ các khu TÐC hoàn toàn chưa có đất sản xuất, một số kéo nhau đi phá rừng đặc dụng Krông Trai…

Cũng bất cập như vậy, công trình TÐ A Vương (khởi công xây dựng cuối năm 2004), đã được chủ đầu tư – Ban Quản lý Dự án thủy điện 3 (BQLDATÐ) “vội vàng” triển khai xây dựng, di dời gần 1.000 hộ dân của huyện Hiên, nay là hai huyện Ðông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) đến bốn khu TÐC: Pache Palanh và Kurt Chrun (Ðông Giang); Alua và K’la (Tây Giang). Ngay từ khi triển khai, do thiếu sâu sát, không quan tâm đến tập quán sinh hoạt của đồng bào, BQLDATÐ 3 chỉ “nghe theo” ý kiến của cán bộ huyện, xã (chưa tham khảo ý kiến người dân) đã tự chọn địa điểm TÐC, xây nhà cho dân theo khuôn mẫu định sẵn. Hàng trăm ngôi nhà sàn bằng bê-tông xây xong, tường gạch, mái lợp tôn, giống nhau theo kiểu “nhà ống” ở thành phố, nằm san sát từng dãy chênh vênh trên sườn dốc, rất xa lạ với tập quán sinh hoạt của đồng bào…

Khu TÐC thủy điện A Vương Pache Palanh (huyện Ðông Giang) chơ vơ bên sườn núi, không có đất sản xuất
Khu TÐC thủy điện A Vương Pache Palanh (huyện Ðông Giang) chơ vơ bên sườn núi, không có đất sản xuất

Mang con bỏ chợ

Có một thực tế, sau khi các công trình TÐ được vận hành, hệ lụy vẫn tồn tại và chưa được khắc phục dứt điểm. Ðiển hình như các khu TÐC thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 đã, đang nảy sinh nhiều bất cập do BQLDATÐ 3 thực hiện quy trình ngược trong TÐC, cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng “đem con bỏ chợ”. Bất cập rõ nhất, sau khi ổn định chỗ ở cho bà con, chủ đầu tư mới đặt vấn đề tìm đất sản xuất cho dân. Ngoài ra, do được sự đồng tình của chính quyền địa phương nên chủ đầu tư “nhắm mắt” quyết định, thỏa thuận trả bằng tiền mặt để dân tự tìm đất.

Trong khi đó, do sự thiếu phối hợp giữa chủ dự án và Sở NN&PTNT Quảng Nam, nên hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong đã bị bố trí TÐC ngay tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh không có ruộng nước. Ðể có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân vào rừng chặt cây, làm rẫy, khiến tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh trở nên nghiêm trọng. Tiếp đến, sau hơn ba năm đưa dân lên TÐC, chủ đầu tư mới triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc ranh giới các khu đất sản xuất; kiểm kê lập phương án bồi thường, thu hồi 1.036 ha đất để cấp cho dân sản xuất.

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa, ngành chức năng phát hiện hầu hết diện tích được thống kê là rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tranh. Hệ lụy để lại cho người dân TÐC “đi lên gặp núi, quay lại gặp sông”, đời sống gặp khó khăn kéo dài gần bảy năm nay, đã làm cho Công ty cổ phần TÐ A Vương (trước đây là BQLDATÐ 3) và chính quyền địa phương phải “gánh” trợ cấp gạo cứu đói cho người dân…

Lời hứa chìm xuống đáy hồ

Phát triển TÐ là một trong những cách khai thác hiệu quả tài nguyên nước, tạo nguồn năng lượng sạch, bổ sung nguồn điện quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phòng, chống lũ cho vùng hạ du, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, có một thực tế, trước khi khởi công xây dựng một công trình TÐ, chủ đầu tư bao giờ cũng cam kết bảo đảm cuộc sống người dân TÐC phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ! Thế nhưng, khi nước hồ TÐ dâng lên, cũng là lúc lời hứa của chủ đầu tư “chìm” xuống. Chỉ có nỗi khổ mang tên “tái định cư” là hiển hiện với những dãy nhà chơ vơ trên sườn núi, mang theo bao phận người nghèo khó và bất an, chịu nhiều tổn thương.

Ông Phạm Ðình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) khẳng định: “Bức xúc nhất đó chính là phần sinh kế cho người dân các khu TÐC, mặc dù họ là những người phải hy sinh mảnh đất của mình cho điện lưới quốc gia nhưng khi chuyển đến khu TÐC họ lại phải chịu thiệt thòi về mặt sinh kế… Hơn lúc nào hết, các chủ đầu tư TÐ phải nói đi đôi với làm và có trách nhiệm với dân. Ðồng thời, Nhà nước xem xét đề nghị doanh nghiệp trong vùng dự án hỗ trợ phần nào cho những hộ dân sớm ổn định, sản xuất”.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương rà soát quy hoạch ba loại rừng, thống kê diện tích có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng, điều chỉnh bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có cơ sở pháp lý, chủ động trong việc quy hoạch, xây dựng phương án bố trí đất sản xuất cho các hộ dân TÐC thủy điện trồng cây hằng năm, cây lâm nghiệp… Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng thêm các khu TÐC mới để từng bước làm giảm áp lực về đất ở, đất sản xuất do tăng dân số, từng bước tạo thu nhập ổn định cho người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững các khu TÐC.

Phát triển TÐ là việc làm cần thiết. Song không thể để dân khổ, chủ đầu tư cần có phương án điều tiết khoa học, hợp lý, nhất là phải cân bằng lợi ích, bảo đảm đời sống an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT, thu nhập của người dân TÐC ở các công trình TÐ khoảng 600 nghìn đồng/người/tháng, chưa bằng 30% thu nhập bình quân chung của cả nước năm 2012. Trong đó, thu nhập của người dân tại dự án TÐ Sông Tranh mỗi năm chỉ khoảng 4,5 triệu đồng; dự án TÐ Ðồng Nai là 5,5 triệu đồng; dự án Cửa Ðạt là 4 triệu 200 nghìn đồng… Tỷ lệ hộ nghèo tại những khu vực này lên đến 36%, cao gấp ba lần mức bình quân cả nước.Ông B’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam): Người dân không thể sống lâu dài ở khu TÐC “ba không” này được. Chúng tôi đã đề xuất chủ đầu tư hỗ trợ, chuyển khu TÐC về một nơi mới bằng phẳng, có đất khai hoang trồng lúa nước, làm nương rẫy, chọn kiểu nhà ở phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, tập quán sản xuất, sinh sống thì mới bảo đảm đời sống, bản sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây.