Lập trạm quan trắc trăm tỷ: Vẫn ô nhiễm

ThienNhien.Net – Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng lắp đặt các trạm quan trắc tự động mặt nước và không khí. Ngoài ra, nhà máy hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Mọi thông số về môi trường đều được các trạm quan trắc tự động truyền dữ liệu liên tục về trung tâm để nhanh chóng xử lý nếu có gì bất thường.

Một trạm quan trắc không khí tự động đặt tại TP Biên Hòa, Đồng Nai
Một trạm quan trắc không khí tự động đặt tại TP Biên Hòa, Đồng Nai
Quan trắc tại 16 KCN đóng trên địa bàn sáu huyện, thành phố cho thấy, môi trường không khí bị ô nhiễm đến mức có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 18/21 KCN lấp đầy trên 50% diện tích được đầu tư lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động. Các trạm quan trắc tự động sẽ truyền dữ liệu thường xuyên về Sở Tài nguyên – Môi trường.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở cho rằng, Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước về lắp đặt trạm quan trắc tự động.

Cứ năm phút một lần, các trạm quan trắc tự động sẽ truyền dữ liệu về trung tâm quan trắc môi trường, nếu mẫu quan trắc vượt chuẩn liên tục, trung tâm sẽ chuyển dữ liệu cho Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức kiểm tra, lấy mẫu phân tích để có hướng xử lý.

Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai) cho biết, quan trắc tại 16 KCN đóng trên địa bàn sáu huyện, thành phố cho thấy, môi trường không khí bị ô nhiễm đến mức có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cụ thể, lượng bụi và tiếng ồn tại các KCN đa số vượt 1,2-1,5 lần. Một số KCN có lượng bụi vượt cao so với tiêu chuẩn như Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa), Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch).

Ngoài ra, quan trắc không khí tại 25 vị trí khu đô thị, khu dân cư thuộc TP Biên Hòa, TX Long Khánh và một số huyện cho thấy, ba vị trí là phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), phường Xuân An (TX Long Khánh) và ngã tư Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có lượng bụi, tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép.

Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai cho biết, từ kết quả quan trắc trên, đơn vị này sẽ đề nghị các đơn vị có liên quan phải có các phương án khắc phục trong thời gian tới, nhằm trả lại môi trường trong lành cho những khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Chánh, đối với những điểm ô nhiễm cao như các nút giao thông trên quốc lộ, rất khó khắc phục, bởi còn phụ thuộc vào ngành giao thông trong việc kiểm tra khí thải từ các phương tiện giao thông.

Không xác định được nguồn thải 

Xác định và công khai mức độ ô nhiễm có thể xem là một bước tiến, tuy nhiên trong một số trường hợp, dù biết có ô nhiễm, song cơ quan chức năng lại không xác định được thủ phạm vì những lý do “nào đó”.

Mới đây, trên 30 hộ dân ở ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đang kiến nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng xác định nguyên nhân khiến hàng chục héc ta lúa ở địa phương này bị chết.

Theo người dân, vụ lúa hè – thu năm nay bà con vẫn gieo trồng như mọi năm. Cây lúa sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh nhưng lại chết hàng loạt một cách bất thường.

Cánh đồng Vũng Gấm có gần 50 héc ta, trong đó, một nửa diện tích lúa sử dụng nước có nguồn thải từ KCN Nhơn Trạch. Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nhơn Trạch đã quan trắc tại điểm xả thải khu vực KCN Nhơn Trạch 5 (rạch Vũng Gấm).

Kết quả cho thấy, hầu hết các hàm lượng chì, NH3 (amoniac), chất rắn lơ lửng trong nước đều vượt tiêu chuẩn quy định nhiều lần. Phòng Tài nguyên – Môi trường Nhơn Trạch kiến nghị các ngành của tỉnh có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm nêu trên.

Tuy nhiên, thực tế lại khó xác định được nguồn thải gây ô nhiễm trên xuất phát từ công ty nào, nhất là khi mà hệ thống quan trắc tự động từ công ty cho đến KCN đều không ghi nhận.