Đồng quản lý và lâm nghiệp cộng đồng: Giống hay khác nhau?

ThienNhien.Net – Nếu bạn nghiên cứu tài liệu, bạn sẽ tìm thấy nhiều định nghĩa khác nhau cho đồng quản lý và lâm nghiệp cộng đồng; và, đặc biệt đối với lâm nghiệp cộng đồng, các định nghĩa khác nhau từ nước này sang nước khác.

Vì thế không thể so sánh hai định nghĩa đơn giản và được chấp nhận rộng rãi để trả lời câu hỏi là đồng quản lý rừng và lâm nghiệp cộng đồng giống hay khác nhau. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét các yếu tố chính của các định nghĩa và so sánh chúng.

Đồng quản lý

Một trong những tài liệu toàn diện và cập nhật nhất về đồng quản lý là bài viết của Borini-Feyera­bend (2011), tóm tắt những tiến bộ của các chính sách và hiệp ước bảo tồn quốc tế trong 15 năm qua và kết luận rằng những hiệp ước này không chỉ nói về sự tham gia, nền văn hóa và tính công bằng mà còn đề cập đến quản trị. Ngược lại với quản lý là liên quan đến làm gì – Quản trị liên quan đến ai quyết định làm gì. Vì vậy thuật ngữ quản trị chia sẻ nên được sử dụng khi nói về đồng quản lý để tránh tập trung một chiều vào làm gì và để bao gồm yếu tố quan trọng ai quyết định làm gì. Trong bài viết này, thuật ngữ đồng quản lý được sử dụng với sự hiểu biết rõ là nó bao gồm quản trị chia sẻ.

Quản trị chia sẻ hay đồng quản lý là một loại quản lý/quản trị trong đó quyền ra quyết định, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình được chia sẻ giữa cơ quan nhà nước và các bên liên quan khác, đặc biệt là người dân bản địa và đồng địa phương, là những đối tượng sinh sống phụ thuộc vào tài nguyên.

Đồng quản lý có thể được nhìn thấy dọc theo một thể liên tục ở giữa tình huống cơ quan nhà nước toàn quyền kiểm soát (chẳng hạn như Vườn Quốc gia do cơ quan nhà nước quản lý) và tình huống các chủ thể địa phương toàn quyền kiểm soát (xem bảng 3, trang 27, Dudley 2008).

Đồng quản lý có thể đạt được thông qua quá trình thương lượng/ đàm phán qua đó đại diện chính quyền, cộng đồng và các chủ thể khác gặp gỡ, trao đổi quan điểm, tìm thấy một thỏa thuận về các mục tiêu và giải pháp và xây dựng một thỏa thuận đồng quản lý hầu như chính thức về chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và giải trình trách nhiệm liên quan đến lãnh thổ, khu vực hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa.

Thể chế quản trị chia sẻ sẽ đảm bảo các bên liên quan không chỉ xử lý các vấn đề kỹ thuật và thực tế khi thực hiện thỏa thuận (làm gì về các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa), mà còn giải quyết các quá trình về ra quyết định và các thể chế.

Đồng quản lý là cách tiếp cận được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các hình thức tiến hành thương lượng/đàm phán khác nhau vô cùng, cũng như các thỏa thuận và thể chế có được. Nhiều ví dụ từ tất cả các nơi trên thế giới có thể được tìm thấy trong ấn phẩm của Borrini-Feyerabend et al. (2004) và một ví dụ từ Đồng bằng sông Cửu Long được trình bày bởi Lloyd (2010) và Schmitt (2011).

Các yếu tố hay các đặc điểm chủ yếu của đồng quản lý so với các hình thức khác của quản trị và quản lý có thể được tóm tắt như: (1) quá trình thương lượng/đàm phán; (2) thỏa thuận đồng quản lý; và (3) thể chế quản trị đa nguyên/ ban quản lý.

Hội nghị thành lập Ban tự quản , Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Ảnh: Phòng QTTN/PanNature)
Hội nghị thành lập Ban tự quản Lâm nghiệp Xóm Đèn, Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Ảnh: PanNature)

Lâm nghiệp cộng đồng

Hầu hết các định nghĩa về lâm nghiệp cộng đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia và chia sẻ lợi ích. Lâm nghiệp cộng đồng thường được xem như một quá trình gia tăng sự tham gia của và khen thưởng cho người dân địa phương; tìm kiếm sự cân bằng giữa quyền lợi bên ngoài và quyền lợi cộng đồng và gia tăng trách nhiệm địa phương trong việc quản lý tài nguyên rừng. Giống như đồng quản lý, nó cũng thường được xem là kinh nghiệm học tập cho tất cả các bên tham gia.

Lâm nghiệp cộng đồng được xác định lần đầu tiên bởi tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 1978, và có thể được định nghĩa như một thuật ngữ bao trùm miêu tả một phạm vi rộng các hoạt động gắn người dân địa phương với rừng vá các sản phẩm và lợi ích từ rừng.

Ở Việt Nam, rừng cộng đồng hay lâm nghiệp cộng đồng đề cập đến một phạm vi rộng liên quan đến các hình thức quản lý trong quản lý rừng, bao gồm quản lý bản địa truyền thống và quản lý rừng dưới hội và các hợp tác xã. Quyền sử dụng đất được trao thông qua sử dụng đất được công nhận theo cách truyền thống hoặc theo khế ước (sổ xanh, các hợp đồng bảo vệ rừng hằng năm), hoặc làm chủ đất dài hạn dưới hình thức sổ đỏ (Wode và Huy 2009). Các tác giả này định nghĩa lâm nghiệp cộng đồng như “các hình thức quản lý trong đó người dân địa phương cùng nhau quản lý các nguồn rừng tự nhiên trong ranh giới cộng đồng của họ mà tại đó quyền sử dụng lâu dài đã được chuyển giao sang cho những người quản lý rừng.” Điều này không bao gồm các hình thức trong đó người dân địa phương chỉ được tham gia ký hợp đồng thuê rừng (sổ xanh) trong khi giấy chứng nhận sử dụng đất vẫn thuộc về một công ty lâm nghiệp hoặc đơn vị nhà nước.

Tóm lại, lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam là quản lý rừng tập trung vào lâm sinh bao gồm sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ, làm giàu rừng tự nhiên, trồng rừng trên đất trống và các lợi ích từ dịch vụ môi trường.

Kết luận

Khi so sánh các yếu tố chủ yếu của đồng quản lý và lâm nghiệp cộng đồng, rõ ràng là quản trị chia sẻ là yếu tố phân biệt chính. Lâm nghiệp cộng đồng nhấn mạnh rõ về quản lý và hơn nữa ở Việt Nam, về giao đất rừng. Trong lâm nghiệp cộng đồng vai trò của chính quyền thường là vai trò của một cố vấn kỹ thuật, chứ không phải là của một người cùng ra quyết định – nghĩa là không phải về quản trị chia sẻ, mà về quản lý.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến quản trị đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong lâm nghiệp cộng đồng. Ở Việt Nam, chỉ có cơ cấu quản trị được công nhận từ góc độ pháp lý là quản lý rừng bởi toàn ấp hay quản lý rừng cấp ấp (Sikor và Nguyễn 2011). Vì vậy, lâm nghiệp cộng đồng có thể được mô tả như một hình thức quản trị cộng đồng (Borrini-Feyerabend et al. 2010) mà hình thức này khác với đồng quản lý là quản lý chung hay quản trị chia sẻ.

Một yếu tố phân biệt khác là lâm nghiệp cộng đồng và giao đất không hoạt động hiệu quả trong mọi tình huống. Sikor và Nguyễn (2011) kết luận rằng việc chuyển giao quyền sử dụng cho cộng đồng có ít giá trị nếu nghĩa vụ bảo vệ rừng quan trọng hơn quyền quản lý rừng. Điều này ví dụ như trong trường hợp khi xem xét rừng ngập mặn. Ở đây đồng quản lý là cách hiệu quả để duy trì và tăng cường chức năng phòng hộ của rừng ngập mặn trong khi cùng lúc cung cấp sinh kế cho cộng đồng địa phương (Schmitt 2011). Trong tình hình như vậy, lâm nghiệp cộng đồng không hoạt động hiệu quả.

Lâm nghiệp cộng đồng (quản trị cộng đồng) ở Việt Nam và đồng quản lý (quản trị chia sẻ) là những hình thức khác nhau của quản lý và quản trị mà cả hai hình thức này nên được áp dụng ở bất cứ nơi nào phù hợp theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp và phù hợp với từng địa điểm tài nguyên thiên nhiên.

Ts Klaus Schmitt – Cố vấn trưởng, Chương trình Quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng duyên hải tỉnh Sóc Trăng


Danh sách Tài liệu tham khảo