Thực hiện đúng lộ trình sử dụng xăng sinh học

ThienNhien.Net – Theo kế hoạch, từ ngày 1/12/2014 xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, doanh nghiệp kêu khó, còn Bộ Công Thương thì yêu cầu phải thực hiện đúng lộ trình.

Cụ thể, Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015. Tuy nhiên tiến độ triển khai để thực hiện đề án hết sức lo ngại.

Tiếp thị bán xăng sinh học E5 tại Quảng Ngãi (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)
Tiếp thị bán xăng sinh học E5 tại Quảng Ngãi (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)

Doanh nghiệp kêu khó

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, từ thời điểm triển khai kinh doanh xăng sinh học 1/8/2010 đến nay, các đơn vị của PVN đã đầu tư 9 trạm pha chế xăng E5; cải tạo, sửa chữa 146 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 tại 39 tỉnh thành trong cả nước… Về sản lượng xăng E5, năm 2011 PVN bán 16.500 m3, năm 2012 là 22.050 m3, 4 tháng đầu năm 2013 sản lượng bán đạt 9.600 m3. Tuy vậy, do thị trường nội địa tiêu thụ ít, nên hiện các nhà máy chỉ chạy 20% công suất và phần lớn các sản phẩm nhiên liệu sinh học phải xuất khẩu với giá thấp.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, cho rằng các nhà máy sản xuất Ethanol hoạt động cầm chừng nên việc thu mua nguyên liệu sắn cho nông dân cũng nhỏ giọt, gây khó khăn cho bà con. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất cồn Ethanol của PVN đều thiết kế sản xuất nhiều loại sản phẩm khác như: Đá khô, phân vi sinh, nên việc các nhà máy hoạt động cầm chừng sẽ khiến cho các sản phẩm khác cũng không được sản xuất trong khi các sản phẩm phụ này đang có nhu cầu tiêu thụ cao và đều phải nhập khẩu.

Vụ Khoa học Công nghệ lo lắng vì đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định 53 của Thủ tướng.

Đại diện Petrolimex cho rằng: Vấn đề tồn tại phải giải quyết là nguồn cung ứng Ethanol hiện nay của 7 nhà máy sản xuất trong nước là bao nhiêu vẫn chưa rõ. Do vậy nếu Petrolimex phải nhập hoàn toàn Ethanol bằng đường bộ từ Quảng Ngãi ra Hà Nội thì chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, việc vận chuyển bằng tàu biển rất khó do phải có phương tiện đặc thù đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trong khi đó vấn đề này cũng chưa được xác định rõ.

Bên cạnh đó, đại diện Petrolimex, PVN cho rằng, để phát triển nguyên liệu sinh học, ngoài việc cần nghiên cứu giống mới cho phát triển nguyên liệu sắn và kỹ thuật canh tác cho nông dân, cần nghiên cứu cơ chế cấp vốn tín dụng ưu đãi cho bà con nông dân trồng sắn. Đồng thời, cần miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển pha chế, phân phối nhiên liệu sản phẩm trong nước chưa sản xuất được.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với các dự án nhiên liệu sinh học. Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, cũng cho biết, tới đây Bộ sẽ ban hành các danh mục sản phẩm, thiết bị trong nước sản xuất được để ngành thuế có căn cứ triển khai.

Phải thực hiện đúng lộ trình

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phải quyết tâm thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Không được lấy lý do khó khăn để rồi đề nghị điều chỉnh, vì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả đầu tư, vấn đề đời sống người trồng sắn… đều phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu này, ông Quang nhấn mạnh.

Để thực hiện lộ trình này, Bộ Công Thương cũng đề nghị các Bộ liên quan thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm được giao, tăng cường phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn để thực hiện đúng lộ trình theo quy định. Về phía doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất và kinh doanh xăng dầu cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện đúng lộ trình.

Cũng theo ông Quang, thời gian không còn nhiều, các đơn vị sản xuất cồn Ethanol như PVN và Petrolimex cũng như 11 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thảo luận trực tiếp với nhau để cùng tháo gỡ. Đồng thời, ông Quang lưu ý bộ phận dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu cần nghiên cứu bổ sung quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể kinh doanh xăng E5 thuận lợi.