“Cào tặc” phá sông Hậu

ThienNhien.Net – Nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu trải dài qua địa phận các tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang… đang ngày một cạn kiệt bởi vấn nạn “cào tặc” hoành hành.

Làm liều vì… nghèo

Nghèo! Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến các xóm “cào tặc” nằm ven đôi bờ sông Hậu. Ngồi phệt xuống mũi chiếc ghe cào cũ sờn, chú Năm Hải, quê ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long trầm tư nói: “Tôi gắn bó với nghề cào cá tròm trèm khoảng 15 năm nay, len lỏi gần hết các con kênh, rạch lớn nhỏ trên tuyến sông Hậu. Xưa kia cá nhiều vô kể, chỉ đánh bắt bằng các công cụ lưới thô sơ, không hề dùng xung điện. Nay nguồn cá cạn dần, buộc lòng phải dùng xung điện để lén lút đánh bắt, biết là vi phạm nhưng vì mưu sinh nên đành phải làm liều”.

“Cào tặc” đang tung hoành trên sông Hậu (Ảnh: Dân Việt)
“Cào tặc” đang tung hoành trên sông Hậu (Ảnh: Dân Việt)

Còn anh Nguyễn Văn Trung, ở khu vực Xóm Chài, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ bộc bạch: “Nhà nghèo, không ruộng vườn, vợ chồng không nghề ngỗng gì, tích cóp vay mượn được 7 – 8 triệu đồng sắm chiếc ghe cào để mưu sinh. Bữa nào trúng mánh, trừ chi phí xăng dầu ra cũng kiếm được tiền chợ trên dưới 200.000 đồng. Nhưng nhiều hôm cào suốt cả ngày cũng chỉ được vài con tép, con tôm”.

Phần lớn những người sống bằng nghề “cào tặc” đều biết là dùng xung điện để bắt cá là vi phạm, bị nghiêm cấm nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn lén lút đánh bắt, đến đâu hay đến đó. Mặc dù họ thừa biết đôi khi bất cẩn, xui rủi có thể phải trả giá bằng cả mạng sống. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tất (SN 1968, ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) do bất cẩn trong lúc xiệc cá đã bị điện giật té xuống nước chết tại chỗ.

Phần lớn những người sống bằng nghề “cào tặc” đều biết là dùng xung điện để xiệc cá là vi phạm, bị nghiêm cấm nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn lén lút đánh bắt, đến đâu hay đến đó. Mặc dù họ thừa biết đôi khi bất cẩn, xui rủi có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.

Nguồn tài nguyên cạn kiệt

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ cho biết: “Qua nghiên cứu các thủy vực ở An Giang, Vĩnh Long (cùng nằm trên bờ sông Hậu với Cần Thơ), thì sản lượng thủy sản trên sông Hậu hiện nay đã giảm 50% so với 15 năm trước đây. Một số giống loài trước đây có phân bố ở Cần Thơ nhưng hiện nay ít khi được thấy hoặc không bắt gặp trong suốt thời gian nghiên cứu do suy giảm nguồn lợi”.

Theo trung tá Nguyễn Hồng Nam – Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.Cần Thơ, trong năm 2012, đơn vị đã kết hợp với Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NNPTNT và công an các quận, huyện tuần tra phát hiện bắt quả tang 26 trường hợp vi phạm (22 trường hợp sử dụng dinamo phát điện, 4 trường hợp sử dụng kích điện mang theo người đánh bắt thủy sản), xử phạt số tiền 52 triệu đồng. Người vi phạm với các hành vi sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản đa phần không có việc làm ổn định, không đất sản xuất nên cần có chính sách hỗ trợ và tạo việc làm ổn định cho những ngư dân này” – trung tá Nam kiến nghị.

Ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; xử lý triệt để các hành vi dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác các loài thủy sản quý hiếm. Tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.