Đồng thuận với dân khi thu hồi đất

ThienNhien.Net – Khi thu hồi đất, nhà nước không chỉ dựa vào mục đích sử dụng, giá thị trường để đền bù mà phải căn cứ vào thu nhập của người dân, điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội… làm sao để người dân có thể sinh sống ổn định, lâu dài.

Đó là quan điểm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần 5 do Bộ Tài nguyên – Môi trường và Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 24/4.

Hạn chế thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi

Có ý kiến cho rằng nếu người có thẩm quyền không ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch kịp thời thì phải chế tài trách nhiệm thật nặng, để đảm bảo quyền của người dân trong vùng đó. Dự thảo cũng ủng hộ và quy định theo hướng này -Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, đất đai là tài sản vô cùng quan trọng của người dân, đặc biệt đối với người nghèo. Thu hồi đất nông nghiệp mà không đền bù thỏa đáng, không cho họ có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai, quay trở lại nghèo đói, cùng cực sẽ nảy sinh nhiều bức xúc, phản kháng. Do đó, khi trưng mua, trưng dụng, trước hết về giá đất, dự thảo luật phải hướng dẫn cụ thể trình tự thực hiện đảm bảo khung giá đưa ra thực sự sát với giá thị trường. Đảm bảo đồng thuận của người dân về giá bồi thường khi trưng dụng. Đất nông nghiệp, giá bồi thường cần tính toán trên cơ sở giá trị sử dụng đất trong thời hạn được giao, chi phí cần thiết để thiết lập và ổn định sinh kế lâu dài. Với đất ở, các quy định giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần đảm bảo có chỗ ở mới ổn định ngay sau khi trưng dụng đất.

Ngoài ra, phải có quy định rõ về chất lượng khu tái định cư, trách nhiệm các bên xây dựng, bảo hành bảo trì. “Suốt thời gian qua, dân ở khu tái định cư các cơ sở hạ tầng xuống cấp rất tồi tệ nhưng không ai chịu trách nhiệm cả. Cần quan tâm đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân sau khi trưng dụng đất, đặc biệt người già, người hết tuổi lao động, gia đình chính sách”, ĐB Vinh đề nghị.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) bổ sung, lâu nay việc bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân nhưng giá lại quá thấp so với giá thị trường là nguyên nhân chủ yếu phát sinh nhiều vụ việc tố cáo, khiếu nại. Vì vậy, việc dự thảo luật xác định đền bù sát với giá thị trường, căn cứ vào mục đích sử dụng đất là đúng nhưng chưa đủ. Bởi trên thực tế, có nhiều khu đất cùng mục đích nhưng giá khác nhau, do giá đất chịu nhiều yếu tố khác vị trí, hạ tầng, môi trường… “Khi bồi thường phải tính đến các yếu tố nói trên, hạn chế thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi”, ĐB Thủy nói.

Cũng liên quan đến quyền lợi người dân khi sử dụng đất, ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) đề xuất thêm, dự thảo luật lần này cũng phải bổ sung quy định: “Nhà nước bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong khu quy hoạch, như cấp giấy chứng nhận, sửa chữa nhà, cho thuê, thế chấp”. Theo ĐB Lập, luật hiện hành chưa có quy định, trong khi thực tế nhiều khu vực quy hoạch không có khả năng thực hiện, kéo dài nhiều năm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người dân.

ĐB Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng quy hoạch đất bị treo, dự thảo cần quy định thời gian cụ thể giữa các bước, trình tự quy hoạch và thực hiện, đảm bảo người dân trong vùng quy hoạch phải được sinh sống bình thường. “Quy hoạch mà cứ treo mãi, thì người dân họ sinh sống sao được”, ĐB Vinh khép lại phần trao đổi của mình.

Quyền lợi của người dân bị thu hồi đất sẽ được quan tâm hơn theo luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: Diệp Đức Minh/Thanh Niên)
Quyền lợi của người dân bị thu hồi đất sẽ được quan tâm hơn theo luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: Diệp Đức Minh/Thanh Niên)

“Treo” 3 năm phải điều chỉnh

Phản hồi ý kiến các ĐBQH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận, tình trạng quy hoạch treo thời gian qua do tổ chức thực hiện chưa tốt. Vì vậy, lần này dự thảo luật làm rõ đối với dự án đã giao đất nhưng sau 3 năm không thực hiện thì cấp thẩm quyền, thứ nhất phải điều chỉnh lại quy hoạch, thứ hai phải thông báo để người dân thực hiện quyền sử dụng đất của mình. “Có ý kiến cho rằng nếu người có thẩm quyền không ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch kịp thời thì phải chế tài trách nhiệm thật nặng, để đảm bảo quyền của người dân trong vùng đó. Dự thảo cũng ủng hộ và quy định theo hướng này”, ông Hiển nói.

Liên quan đến việc bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất, ông Hiển cũng khẳng định chỉ dựa vào mục đích sử dụng đất và giá là chưa đủ. Ngay từ đầu, dự thảo luật cũng quy định rõ mục đích chỉ là một yếu tố, kể cả việc phải đền bù phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của người dân, chi phí đền bù còn phải căn cứ cả vào thu nhập của người sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội. “Phải nhìn nhận trên nhiều yếu tố hơn đề đền bù thỏa đáng”, ông Hiển cho biết.

Nhiều ĐBQH đề nghị, khi thu hồi đất ở phải đền bù, bồi thường bằng toàn bộ đất ở khác cho người dân, vấn đề này theo Thứ trưởng Hiển khó khả thi bởi với đặc thù của một đất nước đất chật người đông, nếu làm như vậy sẽ không đủ 100% quỹ đất. Vì vậy, khi đền bù xây dựng các khu tái định cư, cố gắng ổn định cho người dân.

Tách giá làm hai phần

Đối với giá đất, có ý kiến đề nghị bỏ khung giá, nhưng theo ông Hiển, luật Giá vừa có hiệu lực đã có quy định khung giá đất. Thứ hai, vẫn cần phải có khung giá để đảm bảo cân đối chung trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, theo thống kê, hiện người nộp thuế, phí về đất chiếm tỷ lệ áp đảo so với người bồi thường, vì vậy nếu không để khung giá do nhà nước quy định, áp hết theo thị trường, chắc chắn người làm nghĩa vụ tài chính sẽ phản ứng. Ngược lại, người được đền bù chỉ theo khung giá nhà nước quy định cũng lại không đồng tình, ủng hộ. Do đó, dự thảo luật vẫn thống nhất tách giá làm hai phần, nhưng có điều chỉnh theo hướng phần cho người nộp thuế, phí giữ ổn định, khung giá trong khoảng tối thiểu 5 năm, nếu thị trường có biến động thì thay đổi; phần bồi thường thì xác định sát giá đất thị trường hiện hành.

Khắc phục tình trạng tùy tiện cưỡng chếTheo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, sau gần 2 tháng lấy ý kiến của người dân có gần 7 triệu lượt đóng góp sửa đổi luật Đất đai. Vấn đề được người dân quan tâm nhất là quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu theo hướng chuyển các trường hợp như dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, dự án sử dụng vốn ODA sang trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương và các dự án quan trọng của địa phương được HĐND cấp tỉnh thông qua.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất.

Theo kế hoạch luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 tới, nếu được thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014.