Vụ thu hồi dự án xử lý nix thải: Cần sớm xử lý nghiêm chủ đầu tư

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định thu hồi dự án Nhà máy xử lý hạt nix ở phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), do Công ty Cổ phần Khoáng sản Luyện kim Hà Nội-Minerals (CP-KSLKHN) làm chủ đầu tư.

Lý do cơ quan chức năng thu hồi dự án là do Công ty CP-KSLKHN gặp khó khăn về tài chính và không trình hồ sơ thẩm định công nghệ xử lý nix lên Hội đồng thẩm định Bộ Khoa học-Công nghệ để được ngân hàng “ưu tiên” cho vay vốn, tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, điều đáng bàn sau một dự án bị “chết yểu”, không chỉ là bài học giá trị về công tác quản lý đầu tư, mà việc giải quyết hậu quả dự án cũng là vấn đề gây “nhức đầu” cơ quan chức năng và các bên liên quan.  

Đến ngày 8-12-2009, khu chứa hơn 1 triệu tấn chất thải nix tồn đọng của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin vẫn đang được đậy kín bằng bao nilông (Ảnh: Thái Bình/hi-pec.com.vn)
Khu chứa hơn 1 triệu tấn chất thải nix tồn đọng của Nhà máy tàu biển
Hyundai Vinashin chỉ được đậy bằng bao nilông (Ảnh: Thái Bình/hi-pec.com.vn)

“Xù” nhà thầu hơn 28 tỷ đồng

Ngay sau khi biết thông tin, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi dự án (tháng 12/2012), Công ty TNHH XDTM Mỹ Á (Công ty Mỹ Á), có trụ sở tại phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) một lần nữa gửi đơn lên Tòa án Nhân dân thị xã Ninh Hòa khởi kiện Công ty CP-KSLKHN vì đã không trả số tiền với tổng trị giá 28,659 tỷ đồng mà nhà thầu đã ứng vốn để thi công các hạng mục dự án được chủ đầu tư nghiệm thu.

Theo CCB Nguyễn Văn Mý, Giám đốc Công ty Mỹ Á, thì trước đó công ty của ông cũng đã gửi đơn đến UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thị xã Ninh Hòa, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong và Hội CCB tỉnh Khánh Hòa kêu cứu về việc bị chủ dự án “quỵt nợ”, chiếm dụng vốn; đồng thời đề nghị các cơ quan nói trên giúp đỡ, có biện pháp để thu hồi vốn.

Nix là một loại hợp chất dùng để phun tẩy làm sạch vỏ tàu thủy. Khi phun làm sạch vỏ tàu thủy thì nix tạo ra một loại khí hóa học gây độc hại rất lớn đối với người lao động và môi trường sống. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cùng với việc phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy, rất cần xây dựng một nhà máy xử lý chất nix thải. Theo đó, năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy phép cho Công ty CP-KSLKHN đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý dứt điểm khoảng 1 triệu tấn chất nix thải do Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin (HVS) thải ra môi trường tại phường Ninh Thủy trong suốt quá trình hoạt động nhiều năm qua. Triển khai dự án trên, Công ty CP-KSLKHN đã ký hợp đồng với các nhà thầu tiến hành xây dựng các hạng mục công trình. Tuy nhiên, do việc đầu tư nhỏ giọt, phía đối tác phải ứng vốn để bảo đảm tiến độ thi công. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư đã trắng trợn “xù” nợ các đối tác.

Theo hồ sơ kèm đơn do ông Nguyễn Văn Mý ký gửi các cơ quan có thẩm quyền thì tính đến ngày 10/11/2010, liên danh nhà thầu thi công gồm: Công ty Mỹ Á và Công ty Cổ phần 3-2 (Phú Yên) đã ứng vốn để thi công được Công ty CP-KSLKHN nghiệm thu đạt giá trị 28,659 tỷ đồng. Riêng Công ty Mỹ Á còn ký hợp đồng san nền cho nhà máy với Công ty CP-KSLKHN (tính đến ngày 10/11/2010, hai bên đối chiếu công nợ), phía chủ đầu tư còn nợ Công ty Mỹ Á hơn 1,426 tỷ đồng, chấp nhận lãi suất 1,68%/ tháng (nếu chậm trả). Thế nhưng, ngày 10/12/2010, Ban điều hành dự án thuộc Công ty CP-KSLKHN và tổng thầu lặng lẽ rời công trình, không thông báo cho liên danh trực tiếp thi công. Từ đó đến nay, các bên liên danh thi công đã nhiều lần có văn bản gửi Công ty CP-KSLKHN yêu cầu thanh toán, nhưng chỉ nhận được lời hứa suông. Ngày 22/8/2011, liên danh thi công có đơn gửi cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị có biện pháp can thiệp. Sau đó, ngày 6/11/2011, Công ty CP-KSLKHN chỉ trả “tượng trưng” cho Công ty Mỹ Á 150 triệu đồng và đề nghị đối tác ngừng yêu cầu cơ quan công an can thiệp.

“Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo UBND tỉnh ra quyết định thu hồi dự án là hợp lý. Tuy nhiên, hậu quả của dự án để lại cho doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Chúng tôi thật “đơn độc” trên con đường đi “đòi” lại hơn 28 tỷ đồng” – Ông Mý bức xúc nói với chúng tôi.

Trong văn bản thu hồi dự án Nhà máy xử lý nix thải của UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm phải hoàn thành việc thanh lý dự án và giải quyết nợ nần với các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu “bất thường” của chủ đầu tư, rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm vào cuộc, góp phần làm minh bạch, đúng đường lối, chính sách đầu tư của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Vô trách nhiệm với “núi” nix khổng lồ

Theo ý kiến của nhân dân, việc UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi dự án là chủ trương hết sức đúng đắn, nhưng đồng nghĩa với đó là cả một khối lượng lớn chất nix thải không có hướng xử lý. Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Khánh Hòa thẳng thắn thừa nhận: “Thu hồi dự án thì dễ, nhưng phương án nào để xử lý gần 1 triệu tấn chất nix thải thì vẫn đang làm chúng tôi hết sức đau đầu”.

Theo ông Thắng, việc xử lý đống hạt nix khổng lồ đã tồn tại cả chục năm nay là chuyện không dễ. Đến nay, khi dự án của Công ty CP-KSLKHN chính thức bị thu hồi thì việc xử lý hạt nix không biết đến bao giờ mới hoàn thành được; mà chậm xử lý ngày nào thì gây tác hại đến môi trường sống của người dân ngày ấy.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Khánh Hòa, một khó khăn khác là các cơ quan quản lý của tỉnh rất khó liên lạc được với đại diện của Công ty CP-KSLKHN. Đó chính là nguyên nhân làm cho việc triển khai thủ tục thu hồi đất, thu hồi dự án bị chậm. Đây cũng là rào cản gây khó cho việc triển khai các dự án xử lý chất nix thải. Trên nguyên tắc, HVS chỉ được đàm phán với nhà đầu tư mới khi họ thanh lý xong dự án cũ của Công ty CP-KSLKHN. Thực tế này đòi hỏi phía HVS phải có trách nhiệm cao, tích cực hoàn thành việc thanh lý dự án cũ. Đồng thời Công ty CP-KSLKHN phải có những động thái tích cực trong thực hiện “trách nhiệm” với môi trường và cộng đồng.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, bụi hạt nix có thể gây ra các bệnh về phổi, gây tổn thương da, gây chấn thương mắt và các bệnh về đường tiêu hóa ở người. Còn về tác hại của các thành phần kim loại nặng độc hại có mặt trong hạt nix (Pb; chiếm 0,15% trong nix) có khả năng tích lũy lâu dài trong cơ thể con người là kim loại nặng có độc tính đối với não.

Trong một báo cáo của HVS cũng từng nêu rõ: Bụi nix trong môi trường không khí có tác hại xấu đến thực vật, gây ảnh hưởng có hại đối với nghề nông, nghề trồng vườn và nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ biển. Biểu hiện chính của nó là làm cho cây trồng chậm phát triển, đặc biệt là các sương khói quang hóa gây tác hại đến rau, đậu, lúa, ngô và các loại cây trái, cây cảnh. Những thành phần ô nhiễm trong môi trường không khí như SO, các loại hơi, khí độc hại, bụi nix thải ngay ở nồng độ thấp cũng làm chậm quá trình sinh trưởng của thực vật.

Ông Đặng Bá Tùng, bảo vệ của Công ty Cổ phần 3-2 bộc bạch: “Chủ đầu tư trốn nợ nhà thầu đã là chuyện rất đau rồi, đằng này lại trốn luôn trách nhiệm với môi trường, với người dân là việc không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng nên xử lý nghiêm minh với trường hợp này!”.