Vì sao chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Lào Cai

ThienNhien.Net – Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai hiện có trong tay hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể giải ngân được, gây thiệt thòi, khó khăn cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Có tiền nhưng không chi trả được

Lào Cai là một trong số những tỉnh có nhiều nhà máy thủy điện đang được xây dựng và đã đi vào hoạt động từ 3-5 năm nay. Hiện nay, toàn tỉnh đang có 27 nhà máy thủy điện hoạt động, với tổng công suất 373MW, sử dụng nguồn lợi từ diện tích rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (dịch vụ môi trường rừng) theo quyết định của Chính phủ là 225 nghìn ha. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chủ rừng nào là hộ gia đình được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Trong số hàng nghìn chủ rừng là hộ gia đình và tổ chức được thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 2284/QĐ- TTg ngày 13/12/2010 của Chính phủ, mới chỉ có duy nhất Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên là được nhận 500 triệu đồng, còn lại vẫn đang chờ đợi. Nguyên nhân là cho đến nay, Quỹ bảo vệ phá triển rừng rừng tỉnh Lào Cai chưa có trong tay danh sách chủ rừng để chi trả tiền.

Theo ông Mai Xuân Hạ, Giám đốc Quỹ bảo vệ phá triển rừng Lào Cai, nhanh nhất cũng phải đến tháng 7/2013, khi kết thúc dự án “Rà soát hiện trạng, xác định phạm vi ranh giới chủ rừng, phân loại thống kê đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng”, do Quỹ thuê Trung tâm thông tin lâm nghiệp của Viện điều tra rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Trên cơ sở kết quả điều tra này, UBND tỉnh Lào Cai mới phê duyệt diện tích rừng, đơn giá, chủ rừng làm căn cứ để Quỹ bảo vệ phá triển rừng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

Ảnh minh họa: Thanh Niên
Ảnh minh họa: Thanh Niên

Cần xử lý nghiêm những đơn vị chây ỳ nộp tiền dịch vụ môi trường rừng

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Quỹ bảo vệ phá triển rừng đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với 20 đơn vị, trong đó có 15 nhà máy thủy điện, bốn công ty du lịch và một công ty kinh doanh nước sạch. Số tiền Quỹ đã thu được là hơn 10 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ bảo vệ phá triển rừng Lào Cai cho biết: Bên cạnh những đơn vị chấp hành tốt việc ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đã nộp đầy đủ, đúng thời hạn số tiền phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Chính phủ thì vẫn còn một số nhà máy thủy điện chậm nộp phí, viện dẫn lý do khó khăn về nguồn thu, trong khi sản lượng điện làm ra đến đâu đã bán hết cho EVN đến đó và được EVN thanh toán tiền đầy đủ. Tính đến đầu tháng 3/2013, còn hàng chục đơn vị, chủ yếu là các nhà máy thủy điện còn nợ hơn 13 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, Công ty thủy điện Tân An (ba nhà máy thủy điện Phú Mậu 1,2,3) nợ 709 tỷ đồng; Công ty cổ phần thủy điện Lào Cai nợ 897 triệu đồng…

Điển hình cho việc chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định là nhà máy thủy điện Nậm Hô, tại xã Dền Thàng, huyện Bát Xát của Công ty cổ phần phát triển năng lượng Đông Nam Á. Nhà máy này có công suất 7,5 MW, sử dụng nguồn nước của hàng trăm ha rừng thượng nguồn suối Mường Hum. Theo số liệu của Cục thuế tỉnh, tính từ khi áp dụng thu phí dịch vụ môi trường rừng (1-1-2011) đến hết quý 4/2012, nhà máy này đã bán cho EVN là 61 triệu 732 nghìn kw điện thương phẩm, số tiền phải nộp phí dịch vụ môi trường rừng là một tỷ 234 triệu đồng. Cán bộ của Quỹ bảo vệ phá triển rừng đã “năm lần bảy lượt” gửi thông báo, công văn yêu cầu ký kết hợp đồng ủy thác chi trả nhưng công ty này vẫn chây ỳ không chịu ký kết và không nộp số tiền phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc với phóng viên báo Nhân Dân, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Đông Nam Á nêu lý do còn một số vướng mắc “chưa thông” với Quỹ bảo vệ phát triển rừng Lào Cai nên chưa ký hợp đồng ủy thác chi trả và chưa nộp tiền vào Quỹ này?!

Quyết định thu phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn lợi từ rừng để chi trả cho các chủ rừng của Chính phủ là tạo nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu cho đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới; góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tỉnh Lào Cai cần xử lý kiên quyết đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy điện và du lịch, để chấp hành nghiêm túc nộp phí dịch vụ rừng theo quy định của pháp luật; đồng thời đẩy nhanh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là các tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn; tránh kéo dài tình trạng Quỹ bảo vệ phá triển rừng có tiền mà chủ rừng phải chờ đợi lâu mới được nhận tiền.