Phát triển hệ thống thuỷ lợi tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 03/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học về công tác thủy lợi phục vụ phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đầu tư một hệ thống thủy lợi đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của nuôi trồng thủy sản hiện nay cần phải có một nguồn kinh phí rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện nay, dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL được chia làm 4 vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu thủy lợi. 4 vùng thủy lợi là: vùng Tứ giác Long xuyên, vùng Bán đảo Cà Mau, vùng giữa sông Tiền – sông Hậu và vùng tả sông Tiền.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung phản ánh thực trạng nuôi trồng thủy sản hiện nay tại ĐBSCL; những thuận lợi, khó khăn trong quy hoạch và triển khai xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực này. Từ đánh giá của các tham luận này, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra một quy hoạch thủy lợi tổng thể có khả năng gắn kết hài hòa các tiêu chí vùng sinh thái, nguồn lợi thủy sản… Qua đó, các địa phương cũng như người nuôi sẽ có điều kiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Theo Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, do đây là một mục tiêu mang tính lâu dài nên cần phải thực hiện từng bước một. Bên cạnh đó, để đầu tư một hệ thống thủy lợi đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của nuôi trồng thủy sản hiện nay cần phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Do vậy, thời gian tới sẽ chỉ tiến hành thí điểm ở các vùng trọng điểm về thủy sản như Bán đảo Cà Mau (vùng nuôi tôm) và vùng Tứ giác Long Xuyên (vùng nuôi cá tra).