Gấp rút nhập primer “mồi” phát hiện virus H7N9

ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia thú y, để phát hiện virus H7N9 thì phải có primer “mồi” (còn gọi là “kit” hay nguyên liệu thử) để nhận diện đầy đủ loại virus nguy hiểm này. Vì thế, Việt Nam đang gấp rút nhập primer “mồi” H7N9 để chủ động chống dịch.

Cần dùng primer “mồi” H7N9 để xét nghiệm mẫu bệnh phẩm có nghi vấn đặc biệt
Cần dùng primer “mồi” H7N9 để xét nghiệm mẫu bệnh phẩm có nghi vấn đặc biệt

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 tại TP.HCM chiều 9/4, đã cảnh báo: “Người đàn ông Trung Quốc đầu tiên tử vong do H7N9 trước đó khi được làm mẫu xét nghiệm tại labor nước sở tại chỉ phát hiện nhiễm H5 và H3, khi mẫu được gửi qua phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ mới xác định là H7N9”.

Điều này có nghĩa, ngay cả Trung Quốc ban đầu cũng không phát hiện ra sự biến chủng của virus cúm gia cầm.

Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long: Điều khiến thế giới đang lo ngại là chưa xác định được nguồn lây của H7N9. Số người mắc H7N9 tại Trung Quốc rải rác ở 4 tỉnh khác nhau, không khu trú riêng khu vực nào. Điều tôi thấy lạ là tại sao virus không gây bệnh nặng trên gia cầm nhưng lại diễn tiến rất nặng gây tử vong trên người nhiễm H7N9? Đây là vấn đề cần quan tâm để giám sát và ứng phó đúng khi dịch xảy ra.

Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể phát hiện ra chủng virus H7N9 bằng kỹ thuật ngay trong nước hay không? Để tìm câu trả lời, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI. Ông Bình cho biết: “Chúng tôi chưa xét nghiệm được virus H7N9 do còn thiếu primer “mồi” cho phép nhận diện chính xác virus H7N9. Từ trước đến nay VN cũng chưa dự phòng primer cho chủng virus mới này, vì thế, chúng tôi đang gấp rút nhập primer từ Úc và tuần sau sẽ về đến VN. Tổng cộng sẽ có 2 bộ cho phía Bắc và phía Nam”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long – Phòng dịch tễ (Cục Thú y) khẳng định: “Quy trình xét nghiệm cúm H5 và H7 tương tự nhau, các kỹ thuật làm xét nghiệm đó không có gì khác, chúng tôi hoàn toàn có thể xét nghiệm tìm virus nếu có đủ nguyên liệu. Lý do trước đây chưa làm xét nghiệm được là do chưa có cặp mồi primer đặc biệt cho chủng H7N9. Tuy nhiên, ở ngoài Bắc, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đã gấp rút đặt mua primer từ đầu tuần rồi”.

Từ các thông tin trên cho thấy, các điểm nóng phát hiện dịch cúm gia cầm mấy ngày qua chưa được thử primer “mồi” tìm virus H7N9. Nhiều người lo ngại rằng, liệu cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi, ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) tử vong cuối tuần qua có hoàn toàn do virus H5N1 hay không? Liệu có xảy ra tình huống như bệnh nhân nhiễm virus H7N9 đầu tiên của Trung Quốc (phải thử bên Mỹ mới phát hiện H7N9) hay không? Vì thế, có ý kiến đề nghị khi Việt Nam có primer “mồi” H7N9, ngành thú y nên lấy mẫu bệnh phẩm còn lưu tại Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm để khẳng định lại; hoặc gửi mẫu qua Mỹ để kiểm chứng.

Ngoài ra, các chuyên gia đang nghi vấn virus H7N9 có thể có trong đàn chim trời, hoang dã lây qua gia cầm và sang người. Vì thế, trường hợp đàn chim yến tại Ninh Thuận vừa bị phát hiện nhiễm virus H5N1, ngành thú y cũng cần dùng primer “mồi” H7N9 để kiểm soát triệt để, tránh tình trạng “bỏ lọt” loại virus hết sức nguy hiểm này.