Ghi nhận sự phân bố của loài cu gáy vằn tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong chương trình hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học giữa viện Sinh thái học miền Nam với khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, đã ghi nhận sự phân bố của loài cu gáy vằn Geopelia striata tại Việt Nam (ảnh).

270313_TN_cugay
Loài cu gáy vằn Geopelia striata (Ảnh: Phùng Bá Thịnh)

Cu gáy vằn Geopelia striata thuộc họ Culumbidae (bồ câu), kích thước 21 – 22cm, nhỏ hơn so với loài cu gáy. Chúng có bộ lông màu xám và da mặt có màu xanh nhạt, phần bụng và lưng có nhiều vằn (ảnh). Loài này thường sống ở bìa rừng, nương rẫy và khu dân cư, sinh sản từ tháng 2 đến tháng 8, ăn tạp, làm tổ trên mặt đất.

Trên thế giới, chúng chỉ được tìm thấy ở Đông Nam Á và có quan hệ với loài phụ ở châu Úc và New Guinea. Ở Việt Nam, đây là loài ghi nhận mới và bắt gặp thêm ở vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Hòn Chông (Kiên Giang), núi Bà Đen (Tây Ninh). Tất cả các ghi nhận về sự phân bố của loài này tại Việt Nam đều do các nhà khoa học thuộc viện Sinh thái học miền Nam phát hiện.

Phùng Bá Thịnh, Viện Sinh thái học miền Nam