Đốt rác hiệu quả nhờ công nghệ “made in Vietnam”

ThienNhien.Net – Trước nhu cầu cấp bách về xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội, các cán bộ, kỹ sư của Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường (CPDVMT) Thăng Long đã nghiên cứu thành công “Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt,” đem lại lợi ích lớn cho xã hội.

Ở quy trình này, rác thải sau khi được thu gom sẽ được phân loại ra rác thải nguy hại, rác không cháy (để chôn lấp) và rác để xử lý. Sau đó, rác được đưa vào đốt sẽ được làm đồng đều kích thước bằng cách cắt nhỏ, trải qua quy trình ủ, sấy, đốt, xử lý khí thải… để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng giám đốc Công ty CPDVMT Thăng Long, quy trình công nghệ mới này sẽ giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn nhờ các biện pháp loại bỏ các thành phần rác không cháy, ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt. Đặc biệt, quy trình đốt rác sẽ tận dụng nhiệt năng từ khí thải lò đốt để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt.

Trong quá trình phân loại và sấy rác, các kỹ sư đã sử dụng thiết bị thu gom khí rồi đưa vào lò đốt, giảm phát thải mùi hôi ra môi trường.

Trên thực tế, xử lý rác bằng công nghệ này đem lại hiệu quả về môi trường, xử lý tối đa lượng chất thải có khả năng gây ô nhiễm. Ngoài ra, việc đốt rác theo công nghệ này giảm phát thải 75% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính và giảm khoảng 85% quỹ đất cho xử lý rác so với phương pháp chôn lấp.

Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây có công suất 300 tấn/ngày để xử lý rác và đã được thành phố Hà Nội nghiệm thu đưa vào xử lý từ ngày 1/1/2012. Đến hết năm 2012, lượng rác thải xử lý được là 92.240 tấn, đạt 84% công suất thiết kế, khối lượng chất trơ và tro xỉ chiếm khoảng 19% lượng rác đầu vào.

Về các chỉ tiêu chất lượng môi trường về khí thải, mùi, nước thải…, quy trình và hệ thống xử lý rác này đã đạt các quy chuẩn môi trường như QCVN 19:2009/BTNMT, QCVN 20:2009/BTNMT; QCVN 40:2011/BTNMT.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Thăng Long tại Sơn Tây
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Thăng Long tại Sơn Tây

Giáo sư, viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định, đây là công nghệ lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Hệ thống thiết bị, công nghệ do chính kỹ sư của Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long thiết kế nên chi phí đầu tư giảm so với nhập toàn bộ dây chuyền của nước ngoài, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí xử lý…

Cũng theo vị giáo sư này, so với một số công nghệ đốt rác khác đang được sử dụng tại Việt Nam, quy trình này có khá nhiều điểm mới như sử dụng thiết bị cắt rác để làm đồng đều rác, tạo điều kiện cho quá trình sấy rác đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị cắt rác để làm đồng đều rác đã tạo điều kiện cho quá trình sấy rác đạt hiệu quả cao; thu hồi nhiệt từ khói thải để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt, giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu bổ trợ cho quá trình đốt.

Công ty CPDVMT Thăng Long cho hay, công nghệ này chỉ sử dụng khoảng 7-8% khối lượng dầu DO so với phương pháp đốt rác thông thường (đốt trực tiếp, không thực hiện phân loại và sấy rác). Bên cạnh đó, việc đốt rác sẽ tiết kiệm quỹ đất so với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (đối với nhà máy công suất 300 tấn/ngày trong 20 năm sẽ tiết kiệm 46ha).

Theo tính toán của các kỹ sư thiết kế, giải pháp có thể chế tạo theo từng module với khả năng hoạt động độc lập hoặc liên hoàn theo từng nhóm công suất, phù hợp với khả năng tài chính và dễ dàng áp dụng cho quy mô đô thị và nông thôn ở Việt Nam.

“Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt” được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2012 trao giải Ba (lĩnh vực Bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên). Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long được nhận Giải thưởng cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam 2012 và được Tổ chức trí tuệ thế giới (WIPO) trao giải cho doanh nghiệp ứng dụng xuất sắc nhất.

Trước đó, năm 2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã trao Bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho ông Nguyễn Phúc Thành và cộng sự.