Chấn chỉnh công tác quản lý rừng tại Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Ngày 14/3, tại Đắk Lắk, Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm chấn chỉnh công tác quản lý khai thác rừng thời gian qua.

Báo động về xâm hại rừng

Theo báo cáo về thực trạng quản lý, bảo vệ rừng của các tỉnh Tây Nguyên, tổng diện tích rừng toàn khu vực khoảng 2,85 triệu ha, độ che phủ là 51,3%. Tuy nhiên, kết quả giải đoán ảnh viễn thám năm 2012, diện tích rừng có trữ lượng còn 1,8 triệu ha, độ che phủ 32,4%.

Những năm qua, sụt giảm diện tích rừng ở Tây Nguyên diễn ra ở mức độ cao, bình quân hàng năm mất 25.737 ha. Nguyên nhân chủ yếu do chuyển mục đích sử dụng rừng, xây dựng các công trình, nông nghiệp và bị khai thác, chặt phá trái pháp luật.

Trong khi đó, phát triển rừng rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch do khó khăn về giải quyết đất đai và vốn đầu tư. Từ năm 1998 đến 2011, bình quân mỗi năm trồng được 14.000 ha, năng suất rừng trồng dưới 15m3/ha/năm. Năm 2012, chỉ trồng 8.367 ha, đạt 45,6% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên chỉ có tỉnh Đăk Nông thực hiện được 82 ha, bằng 0,7% kế hoạch; chăm sóc 15.226 ha, đạt 60,2%, trồng 901.000 cây phân tán, đạt 45% kế hoạch.

Tây Nguyên tiếp tục là vùng trọng điểm về vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, lâm sản. Từ năm 2008 đến nay, phát hiện hơn 8.600 vụ phá rừng trái phép. Tại các điểm nóng như Vườn quốc gia Yok Don, Cư Jăng Xin, khu Bảo tồn thiên nhiên Đăk Uy, tình trạng lợi dụng tận thu, tận dụng gỗ để khai thác trái phép diễn biến phức tạp, lâm tặc hoành hành dữ dội, nhiều vụ chống người thi hành công vụ.

Gỗ lậu thu được ở VQG Yok Đôn (Ảnh: Nguyễn Hữu Luận)
Gỗ lậu thu được ở VQG Yok Đôn (Ảnh: Nguyễn Hữu Luận)

Theo phản ánh của lãnh đạo các địa phương, những nguyên nhân, tồn tại chính trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Tây Nguyên là tình trạng tăng nhanh dân số cơ học, nhất là di dân tự do đã tạo ra sức ép lớn lên tài nguyên rừng, người dân xâm lấn, phá rừng để lấy đất trồng các loại cây công nghiệp, nông sản có giá trị cao.

Các cơ quan chức năng cũng nhìn nhận quản lý nhà nước về rừng bộc lộ nhiều yếu kém. Quy hoạch thiếu bền vững lại không được quản lý thực hiện nghiêm túc. Nhiều địa phương có tụ điểm phá rừng nghiêm trọng, chính quyền cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, thiếu kiên quyết bảo vệ rừng, quản lý đất và lực lượng không đủ.

Bản thân các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng cũng tồn tại tình trạng thiếu năng lực bảo vệ, nguồn tài chính để hoạt động hiệu quả, dẫn đến thực thi và hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ được giao.

Cuộc họp cũng tiến hành đánh giá về công tác phòng chống cháy rừng, chi trả dịch vụ môi trường, chủ trương chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su, các loại cây công nghiệp khác hiện cũng đang là vấn đề bức xúc ở Tây Nguyên.

Dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quán triệt, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, đồng thời có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và phát triển lâm nghiệp. Rừng trong khu vực Tây Nguyên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước và điều tiết khí hậu cho khu vực và các vùng lân cận.

Tán thành với đánh giá của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các địa phương, Phó Thủ tướng ghi nhận những cố gắng, sự quan tâm nhiều hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là công tác phòng chống cháy, sắp xếp, nâng cao hiệu quả tổ chức lực lượng kiểm lâm, thí điểm một số mô hình quản lý bền vững.

Nhấn mạnh những vấn đề nóng mà rừng Tây Nguyên phải đối mặt, Phó Thủ tướng nêu rõ, tình trạng này cần quyết liệt xử lý, bằng mọi giá phải giữ được rừng, hướng tới phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ về triển khai bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.

Trong đó, nghiêm túc thực hiện việc dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp, nhất là khu rừng đặc dụng, phòng hộ; tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Các địa phương tăng cường quản lý đất lâm nghiệp theo hướng kiểm tra, rà soát, lập biên bản thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Phân loại, đánh giá rõ vai trò từng loại rừng, từng khu vực để có mục tiêu rõ ràng, khả thi trong xác định diện tích và chất lượng phát triển bền vững.

Đối với các lâm trường, các ban quản lý rừng cần được tổ chức lại, đưa ra hướng phát triển, cơ cấu và lực lượng phù hợp.

Về chủ trương phát triển cây cao su khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức đánh giá lại mục tiêu, tình hình các dự án, nơi nào triển khai không hiệu quả thì kiên quyết thu hồi để giao lại.