“Nóng” tình trạng phá và rao bán đất rừng ở Phi Liêng, Lâm Đồng

Ngày 18/2, theo tuyến Quốc lộ 27, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến khu rừng phòng hộ Phi Liêng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), thâm nhập những tiểu khu rừng đã bị triệt hạ, được trồng cây nông nghiệp thế vào rồi được phân lô, treo biển bán đất rừng.

Hơn 1 ha cây thông bị triệt hạ, mỗi cây có đường kính từ 20 – 40 cm, cá biệt có cây 60 cm.

Hàng trăm cây thông ba lá, khoảng 20 năm tuổi thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng đã bị triệt hạ, đốt cháy. Điều đáng nói là khu vực rừng bị tàn phá nằm sát Quốc lộ 27 và gần UBND xã Phi Liêng. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách lâm nghiệp cũng như những người có trách nhiệm của địa phương đều không nắm được thông tin vụ việc.

Ông N, một người dân xã Phi Liêng, cho biết: Nhân dân bức xúc vì tình trạng phá rừng xảy ra nhiều năm nay tại địa phương nhưng không được ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Những đối tượng phá rừng là người địa phương còn thách thức, đe dọa cả lực lượng làm nhiệm vụ. Những diện tích rừng bị lấn chiếm nhanh chóng được trồng cây nông nghiệp, phân lô, rao bán công khai.

Cụ thể, tại Tiểu khu 216 (nằm trên địa bàn xã Phi Liêng) đã xảy ra tình trạng phá rừng từ nhiều năm nay. Các đối tượng thường lựa chọn những thời điểm đốt thực bì (là biện pháp đốt cây bụi, tạo đường ranh cản lửa để hạn chế cháy rừng của tỉnh Lâm Đồng) để đốt cháy cả đám rừng lớn; trong đó có diện tích đã phá từ trước, được trồng cây nông nghiệp. Các đối tượng phá rừng dùng cưa máy cưa ngang thân cây. Các phóng viên TTXVN nhận thấy trên một số thân cây nhựa vẫn còn tươi mới, bên cạnh là số điện thoại để liên hệ mua bán: 0911027xxx.

Hơn 1 ha cây thông bị triệt hạ nằm ngổn ngang.

Tại hiện trường, hơn 100 cây thông có đường kính 20-40 cm, dài khoảng 20m đã bị đốt cháy bên ngoài, sau đó bị cưa hạ nằm ngổn ngang. Tổng diện tích rừng bị phá khoảng 1ha. Đây là khoản rừng thông được trồng từ năm 1997, đến nay đã hơn 20 năm tuổi, nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng.

Ông Trần Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, cho biết, do mới đảm nhận chức vụ lãnh đạo nên chưa nắm rõ vụ việc cụ thể. Ông Sơn cũng thừa nhận việc một số đối tượng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đam Rông, trong đó một số diện tích đất rừng sẽ được chuyển sang thành đất sản xuất, để lấn chiếm những khu vực giáp ranh.

Theo nhận định của nhóm phóng viên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng là do người trực tiếp quản lý thiếu trách nhiệm, không nắm rõ địa bàn. Cụ thể, khi nhóm phóng viên làm việc với UBND xã Phi Liêng và cán bộ địa chính, kiểm lâm địa bàn thì không ai cung cấp được thông tin về số hiệu tiểu khu bị phá cũng như hồ sơ liên quan.

Trước đó, năm 2018, tại tiểu khu nói trên, UBND xã Phi Liêng phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng đã tiến hành giải tỏa đất do bà Hà Thị Tỏa (thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng) lấn chiếm để trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, việc giải tỏa không hiệu quả, việc khảo sát thực tế cho thấy toàn bộ quả đồi vẫn được trồng cây mắc ca và cà phê. Bên cạnh diện tích bị lấn chiếm trước đó và đã được trồng cây là diện tích mới phá vào khoảng cuối tháng 1/2019.

Rừng thông ba lá thuộc rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông.

Theo báo cáo của UBND xã Phi Liêng gửi UBND huyện Đam Rông số 02/BC–LN: “Ngày 22/1/2020 tại Tiểu khu 216 phát hiện có đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Ban Lâm nghiệp xã liên hệ với cán bộ Tiểu khu 216, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng nhưng không ai nghe máy. Trong lúc tuần tra (Ban Lâm nghiệp xã) đã phát hiện ba đối tượng đang khai thác gỗ, tạm giữ được một người và ba xe máy”. Cả một diện tích đất rừng khá lớn bị triệt hạ nhưng UBND xã Phi Liêng chỉ báo cáo có 4 cây thông bị cưa hạ.

Còn theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, trong năm 2019, trên địa bàn huyện đã xảy ra 12 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, trong đó nổi lên 8 vụ khai thác rừng trái phép làm thiệt hại hàng chục nghìn mét đất rừng. Đã xảy ra 44 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với tổng diện tích trên 11 ha.