Đông Giang, Quảng Nam: Buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng

Tại huyện Đông Giang, nhiều diện tích đất nương rẫy, đất nông nghiệp, đất trồng rừng người dân canh tác mà không hề biết đã quy hoạch thành rừng phòng hộ (RPH), đặc dụng. Bên cạnh đó, liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng vào đợt nắng nóng cao điểm; sự cẩu thả, kể cả lòng tham của con người, cộng với sự buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan, ngành chức năng… đã làm nhiều khu rừng… chết trong tức tưởi.

Theo thống kê, diện tích đất rừng mà Ban Quản lý (BQL) RPH Đông Giang quản lý khoảng 36.000 ha. Trong phạm vi diện tích rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ, có hàng trăm hộ gia đình đang sản xuất và đã sử dụng đất ổn định lâu dài, nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Nhiều nhất là hộ và nhóm hộ gia đình tại xã Mà Cooih có đất trồng rừng sản xuất, đất nương rẫy với hơn 1.530ha, được tỉnh quy hoạch là RPH; ít nhất thị trấn Prao với 76,8ha.

Nhiều khu RPH ở Đông Giang bị cháy liên tục. Ảnh: NP

Theo báo cáo mới nhất của BQL RPH Đông Giang, tổng diện tích đất của người dân đang sản xuất hiện nay thuộc quy hoạch RPH, đặc dụng sau rà soát là hơn 5.000ha. Riêng phần quy hoạch RPH, hiện trạng đã có 3.931ha đất nương rẫy của người dân và hơn 817ha đất có rừng trồng của dân.

Không chỉ quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) chồng chéo, nhập nhằng mà còn xảy ra tranh chấp đất giữa Công ty Cổ phần Cao su Việt Hàn với người dân sở tại.

Nhiều năm nay, huyện Đông Giang rất ì ạch trong tiến độ cấp sổ đỏ đất rừng cho dân nên khó thực hiện theo quy hoạch.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam cho biết, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm căn cứ bản đồ kiểm kê rừng, bản đồ cập nhật diễn biến rừng năm 2019, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và bản đồ các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư để chồng ghép, phân loại và thống kê sơ bộ diện tích rừng và đất rừng thuộc đối tượng cần rà soát theo từng địa phương, chủ rừng và dự thảo đề cương hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là lấy tiền đâu để đưa dân ra khỏi vùng quy hoạch RPH?

Tại lâm phận Khu Bảo tồn Sao La quy hoạch rừng đặc dụng, hiện có ít nhất 188ha là đất nương rẫy của người dân ở 2 xã Tà Lu và Sông Kôn được xác định chủ sử dụng. BQL Khu Bảo tồn Sao La kiến nghị cơ chế bồi thường, hỗ trợ để người dân giao đất lại cho đơn vị quản lý; nhưng phương án dùng tiền ngân sách để bồi thường khó có tính khả thi.

Hiểm họa cháy rừng đang rình rập ở diện tích rừng do BQL RPH Đông Giang quản lý, bởi đây đang là mùa người dân khai thác cây keo xong, đốt thực bì dọn đất cho mùa trồng rừng mới. Tuy UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, nhưng thực tế, người dân trồng rừng sản xuất xen kẽ với RPH, đặc dụng; nên nếu không kiểm soát tốt, dùng băng cản lửa thì những cánh rừng tự nhiên đang đối mặt với nạn cháy lây lan hơn bao giờ hết.

Theo quy định, người dân sống quanh khu vực ven rừng phải báo cáo việc đốt thực bì với ngành chức năng, tuyệt đối không sử dụng lửa ở vùng có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, đầu tháng 5/2020, tại xã Mà Cooih xảy ra vụ cháy rừng lớn, nhưng trước đó, ngày 27/4, Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 1 đã có báo cáo về phát rẫy để canh tác vụ mới của nhóm hộ ông Phạm Ba. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị này đã phát hiện diện tích rẫy keo 2 khu vực có cây rừng bị chặt hạ tại khoảnh 6, 7 thuộc Tiểu khu 160 xã Mà Cooih; sau đó lập biên bản đình chỉ, yêu cầu nhóm hộ ông Ba không được tác động vào các khu vực rừng tự nhiên trong rẫy.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện trường từ cầu của Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 nhìn lên, rừng đại ngàn đã bị thiêu rụi kề sát công trình công cộng, nhà dân, trụ điện. Sát đường Hồ Chí Minh, gần khu vực vào Văn phòng Nhà máy Thủy điện Za Hung, có nhiều vị trí rừng bị cháy xém…

Báo cáo của BQL RPH huyện Đông Giang về nạn đốt rừng gây cháy lan tại xã Mà Cooih vào ngày 10/5, có ít nhất 20,6ha rừng tại khoảnh 3, Tiểu khu 153 bị thiệt hại, rừng là loại đất nông nghiệp do UBND xã này quản lý. Trước đó, ngày 7/5, chủ rừng này báo cáo xảy ra cháy gần 1ha RPH tại khoảnh 4, Tiểu khu 152 xã Mà Cooih, do BQL RPH Đông Giang quản lý.

Ngoài ra, vụ cháy rừng ở Tiểu khu 160 xã Mà Cooih, với diện tích hơn 31,3ha, được tỉnh quy hoạch là RPH. Dù cháy rừng với quy mô lớn như vậy, nhưng phải qua 4 ngày, BQL RPH Đông Giang mới đến xử lý, trong khi trụ sở làm việc đóng gần với khu vực cháy?

Liên quan cháy rừng tại Mà Cooih, ngày 11/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký Công văn số 2553 yêu cầu khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân nhân và xử lý nghiêm. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang phối hợp với các ngành chức năng địa phương tiếp tục kiểm tra, xác định diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân cháy và xử lý theo quy định pháp luật. Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, UBND huyện Đông Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với kiểm lâm khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, sớm hoàn chỉnh hồ sơ, khởi tố vụ án và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ các loại rừng ở huyện Đông Giang có nhiều lỏng lẻo, vốn rừng bị xâm hại nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp bảo tồn hữu hiệu và không ai chịu trách nhiệm trong việc này…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam cần tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.