Cá mập, cá đuối bị cấm buôn bán trên toàn cầu

ThienNhien.Net – Một số loài cá đuối và cá mập đã được đưa vào danh sách cấm buôn bán, trong một động thái được các nhà bảo tồn xem là bước đột phá trong nỗ lực bảo vệ các loài này khỏi bị đánh bắt quá mức.

Thỏa thuận được thông qua tại hội thảo về động vật hoang dã tổ chức tại Bangkok, đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi của các nhà bảo vệ môi trường trong việc đảo ngược tình trạng sụt giảm số lượng cá mập – loài động vật ăn thịt có từ lâu đời nhất của thế giới – do cơn sốt lấy vây của chúng.

Thỏa thuận này càng trở nên quan trọng hơn khi mà tuần trước, đề xuất cấm buôn bán quốc tế đối với gấu vùng cực đã bị bác bỏ. Những người phản đối nó nói rằng lệnh cấm sẽ khiến các vấn đề lớn hơn gây ra do Trái Đất ấm lên sẽ không còn thu hút được nhiều chú ý.

Ảnh minh họa: orlandosentinel.com
Ảnh minh họa: orlandosentinel.com

Còn trong quyết định đưa ra ngày 11/3, thay vì cấm hoàn toàn, 178 thành viên của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã quyết định hạn chế việc buôn bán xuyên biên giới cá mập đầu trắng, cá nhám hồi, 3 loại cá mập búa và cá đuối.

Thỏa thuận, vẫn còn cần phải được phê chuẩn tại phiên họp toàn thể của CITES, đã khiến các nhà bảo tồn hết sức vui sướng. Họ đã cảnh báo về việc cơn sốt vi cá mập châu Á đang khiến số lượng cá mập tụt giảm.

“Sóng giờ đã đảo chiều trong hoạt động bảo tồn cá mập” – Elizabeth Wilson ở Chiến dịch bảo tồn cá mập toàn cầu của Pew cho biết – “Với các biện pháp bảo vệ mới này, các loài mập đầu trắng, cá nhám hồi và cá mập búa sẽ có cơ hội hồi phục số lượng và tiếp tục hoàn tất vai trò của chúng với tư cách kẻ săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái biển”.

Thỏa thuận thông qua ngày 11/2 sẽ yêu cầu các nước phải điều phối hoạt động buôn bán cá mập và cá đuối thông qua việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhằm đảm bảo sự ổn định bền vững của chúng trong thiên nhiên hoang dã. Nếu không làm như thế, các nước này sẽ bị CITES cấm vận. CITES đang bảo vệ khoảng 35.000 loài động vật.

Tuy nhiên trong khuôn khổ của CITES, một thành viên vẫn có thể đề nghị việc cân nhắc lại quy định hạn chế trong phiên họp toàn thể, giống như những gì đã diễn ra hồi năm 2010, khi một thỏa thuận nhằm kiểm soát buôn bán quốc tế cá nhám hồi đạt được ban đầu đã bị hủy bỏ trong phiên họp toàn thể.

Các nhà bảo tồn nói rằng cá mập chậm sinh sản và có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu không được giám sát và quản lý tốt. “Trong suốt vòng đời, các loài này chỉ có ít con và chúng chỉ bắt đầu sinh sản ở tuổi khá muộn. Chúng giống động vật có vú nhiều hơn là cá” – Colman O’Criodain, một chuyên gia của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) nói.

Các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Nhật Bản – những nơi vi cá mập được xem là đặc sản – đã cố gắng bất thành trong việc ngăn chặn các đề xuất hạn chế. Trong khi đó các nước Mỹ, Brazil và Colombia đã tìm cách đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ cá mập và cá đuối.

Nếu thỏa thuận được thông qua, sẽ có 5 loài nữa được bảo vệ cùng cá mập trắng lớn, cá mập voi và cá mập phơi. Các thành viên sẽ có 18 tháng để triển khai các biện pháp hạn chế.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), con người sát hại khoảng 100 triệu con cá mập mỗi năm, chủ yếu để lấy vây của chúng. Các nhà bảo tồn đã cảnh báo rằng nhiều loài cá mập đang gặp nguy hiểm.

Tới 90% loài cá mập của thế giới đã biến mất trong vòng 100 năm qua, chủ yếu do bị đánh bắt quá mức tại các nước như Indonesia.

Các nhà bảo tồn cũng cho rằng hoạt động cắt vây từ những con cá mập còn sống là phi nhân đạo, bởi sau khi bị lấy vây, con vật sẽ bị ném trở lại biển và nó sẽ dần chảy máu cho đến chết.

Súp vi cá mập từng là một món ăn xa xỉ của giới thượng lưu Trung Quốc. Nhưng cũng vì thế mà quy mô dân số của loài cá mập trên toàn cầu đã sụt giảm, khi người dân Trung Quốc giàu lên và ngày càng thích ăn vi cá mập hơn.

“Hoạt động buôn bán cá mập được thúc đẩy bởi nhu cầu tại các thị trường cao cấp, như vi cá mập được sử dụng trong các cuộc yến ẩm ở Trung Quốc, thịt cá nhám hồi được ưa chuộng tại châu Âu và cá đuối dùng làm thuốc trong Đông y Trung Quốc” – O’Criodain nói.

Hong Kong hiện là thị trường tiêu thụ vi cá mập lớn nhất thế giới, chiếm 50% hoạt động buôn bán toàn cầu.

Cuộc họp của CITES cũng bàn cách chống nạn buôn lậu sừng tê giác, ngà voi và các nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi việc cấm vận thương mại với các nước không đưa ra những hành động ngăn chặn tốt.