Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng

ThienNhien.Net – Luật Khoáng sản năm 2010 đã bổ sung quy định về Chiến lược khoáng sản nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và lập quy hoạch khoáng sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường bền vững.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành chức năng cụ thể hóa Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ.

Đó là công tác điều tra, đánh giá khoáng sản phải đi trước một bước; việc thăm dò, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu cầu của các ngành kinh tế; chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và tao ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

Trên cơ sở đó, ngành tài nguyên và môi trường trước hết phải ưu tiên hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ, các hải đảo; điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000.

Đồng thời tiến hành đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng như than nâu ở Đồng bằng sông Hồng; bauxit, sắt laterit ở Tây Nguyên; đất hiếm urani, chì kẽm ở Tây Bắc, Việt Bắc và Trung Bộ; liti, vàng ở Trung Trung Bộ; đá hoa trắng ở Bắc Bộ; đá ốp lát ở Trung Bộ; urani và một số loại khoáng sản khác trong các cấu trúc có tiền đề và dấu hiệu thuận lợi đến độ sâu 500-1000m.

220213_TN_Khoangsan
Khai thác khoáng sản ở Lâm Bình/Tuyên Quang (Ảnh: ThienNhien.Net)

Về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, ngành sẽ đẩy mạnh thăm dò phần sâu dưới -300m đối với các mỏ ở bề than Quảng Ning, Thái Nguyên, Quảng Nam; lựa chọn một số khu vực có triển vọng nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng, thăm dò đến mức sâu -1000m.

Mặt khác ngành cũng đầu tư mới và cải tạo, mở rộng khai thác phần sâu một số mỏ ở bể than Quảng Ninh. Mặt khác hoàn thành thăm dò quặng urani ở các mỏ Pà Lừa-Pà Rồng, Khe Hoa-Khe Cao tại Quảng Nam và một số khu vực có triển vọng khác.

Nghiên cứu công nghệ, hoàn thiện quy trình chế biến urani kỹ thuật và các giải pháp an toàn trong khai thác, chế biến quặng này, phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các Nhà máy điện nguyên tử đã và đang được xây dựng trong những năm tới.

Riêng quặng bauxit, ngành sẽ tập trung hoàn thành công tác thăm dò các mỏ tại vùng Tây Nguyên, Bình Phước đã được điều tra đánh giá.

Song song với việc triển khai hoạt động khai thác mỏ Tân Rai, mỏ Nhân Cơ phục vụ nguyên liệu cho 2 dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng và Đắk Nông, ngành khai thác quy mô lớn quặng titan-zircon cung cấp nguyên liệu cho dự án chế biến sâu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường, hình thành ngành công nghiệp khai khoáng titan-zircon tương xứng với tiềm năng đã phát hiện…