Dân dở sống dở chết vì ô nhiễm trầm trọng

ThienNhien.Net – Nhiều công ty tại Khu Công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) chưa thực hiện đúng quy trình xử lý nước thải, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng. Đáng báo động là Nhà máy chế biến bột cá Hồng Đức Vượng không chỉ gây ô nhiễm khi xả thải ra môi trường mà trong quá trình hoạt động, bầu không khí ở đây cũng sặc mùi cá thối.

 Hồ nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước xả thải từ KCN Quán Ngang.(Ảnh: Báo Lao động)
Hồ nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước xả thải từ KCN Quán Ngang. (Ảnh: Báo Lao động)

Ô nhiễm diễn ra ngay từ khi nhà máy đi vào hoạt động khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nước sinh hoạt bị ô nhiễm, cây trồng chết dần chết mòn, bữa ăn và giấc ngủ của bà con ở đây khổ sở trăm bề.

Người dân bị đầu độc

“Chúng tôi cũng như người dân, biết là ở địa phương mình bị ô nhiễm, nhưng không phải bây giờ mới nói mà đã kiến nghị lên cấp trên để xử lý. Nhưng kiến nghị thì cứ kiến nghị, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Lê Văn Thông – Chủ tịch xã Gio Quang (huyện Gio Linh) – cho biết. Kể từ thời điểm Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng đi vào hoạt động (8.2014), người dân bắt đầu sống chung với việc bịt khẩu trang hằng ngày. Vào thời điểm nguyên liệu dồi dào (tháng 2 đến nay), việc sản xuất bột cá tăng đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm tăng theo.

“Hôi chịu không nổi, gió chiều mô là hôi chiều nớ. Vì ngay từ nguyên liệu là cá ươn, cá thối để sản xuất ra bột cá đã hôi nặng rồi”, ông Lê Văn Tiển (trú tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang) bức xúc. Gia đình ông Tiển nằm trong khu vực ô nhiễm nặng. Theo ông Tiển, ô nhiễm không khí thì thấy rõ, nước thải còn làm ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi. Ông dẫn chứng rằng, lúa ở quanh đây trước năng suất cao, giờ không có hạt. Nuôi con vịt thả ngoài ruộng, bì bõm ở thứ nước bị ô nhiễm, nên không thấy lớn, nhiều con chết dần.

Giữa trưa nắng, người dân và cán bộ xã dẫn chúng tôi đến cống nước thải của Khu công nghiệp Quán Ngang. Nước ở cống xả này đổ trực tiếp ra môi trường nhầy nhụa, hôi hám rồi theo các rãnh đổ về ruộng lúa của người dân. Được biết, nhà máy sản xuất bột cá thường lén lút xả thải vào buổi tối. “Tầm 1h – 4h sáng là nhà máy xả nước thải. Chúng tôi biết vì mỗi lần xả là mùi hôi kinh khủng lắm”, anh L – công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quán Ngang – cho hay.

Ông Thông cho biết thêm, riêng tại địa phương, làng Trúc Lâm và Kỳ Lâm bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước đây, nguồn nước dồi dào nhờ 2 hồ nước Bàu Đinh và Cồn Cường, nhưng bây giờ ô nhiễm nặng, người dân không có nước để sản xuất và sinh hoạt.

Nước thải tại KCN xả thẳng ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý. (Ảnh: Báo Lao động)
Nước thải tại KCN xả thẳng ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý. (Ảnh: Báo Lao động)

Bao giờ mới xử lý?

Nằm giữa khu dân cư và sát các công ty khác trong Khu công nghiệp Quán Ngang, nhưng ngay từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy sản xuất, chế biến bột cá Hồng Đức Vượng đã nổi tiếng với “thương hiệu” ô nhiễm đặc trưng của mình.

Ông Trần Văn Hóa – Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị – xác nhận, việc Nhà máy Hồng Đức Vượng ảnh hưởng về môi trường là có. Nhận được thông tin của chính quyền và người dân, đoàn kiểm tra của Ban quản lý các Khu kinh tế đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm về vấn đề môi trường. Cụ thể, dù đã đi vào hoạt động nhưng Cty Hồng Đức Vượng chưa có biện pháp thu gom, xử lý chất thải từ khu vực tập kết cá tươi gây nên mùi hôi; chưa xây dựng kho lạnh để chứa và bảo quản nguyên liệu theo nội dung báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến bột cá còn thiếu 3 công đoạn: Bể kéo tụ tạo bông, bể lắng, bể tuyển nổi. Hệ thống nước thải của nhà máy này vượt mức cho phép 70m3/ngày. Biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng khẳng định, chất thải ra môi trường của nhà máy này không đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường như chủ đầu tư đã cam kết.

Từ đó, cơ quan chức năng yêu cầu Cty Hồng Đức Vượng phải thực hiện các cam kết mới được vận hành. Nhưng bỏ ngoài tai yêu cầu này, nhà máy bột cá vẫn “đỏ lửa”, tiếp tục gây ô nhiễm. “Hiện chúng tôi đã có văn bản, yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Cty này cũng cam kết sẽ khắc phục”, ông Hóa nói thêm.

“Nông dân như tui phải cắn răng đi mua nước bình về uống. Giếng nước ngày trước trong vắt, nấu nước chè thơm lừng, nhưng chừ lẫn với nước ô nhiễm nên đóng váng, uống cứ nhàn nhạt nên không dám dùng nữa. Mẫu ruộng của gia đình tôi, vụ vừa rồi thu hoạch năng suất chưa đạt phân nửa những vụ trước. Dở sống dở chết với mùi hôi và ô nhiễm mất”, bà Phan Thị Hồng – người dân ở xã Gio Quang – chua chát.