Tăng cường năng lực ứng phó BĐKH cho cộng đồng làm nông nghiệp

ThienNhien.Net – Trong hai ngày 22 và 23/1, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) đồng tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án đối tác song phương về “Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng làm nông nghiệp ở đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long, Việt Nam”.

Bãi sông Hồng (Ảnh: Trần Đình Hà)
(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Ngoài việc trình bày các phát hiện, nghiên cứu ban đầu về thực trạng tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó ở Việt Nam, hội thảo còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận về nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò tham gia của dự án tại Việt Nam.

Được biết, dự án này được tài trợ một phần bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA). Trong năm 2013, dự án sẽ được triển khai tại 3 tỉnh (Vĩnh Long, Hà Nam và Thái Bình). Nông dân các tỉnh triển khai dự án sẽ lần đầu tiên được cùng tham gia thu thập các thông tin dữ liệu về những rủi ro khí tượng-thủy văn và các câu chuyện kể về hành động ứng phó của cộng đồng.

Khi tham gia dự án, cộng đồng địa phương sẽ có thêm hiểu biết và kiến thức về biến đổi khí hậu, biến động nguồn tài nguyên nước, từ đó có khả năng chủ động chia sẻ những vấn đề họ phải quan tâm, những nhu cầu cần được hỗ trợ để ứng phó kịp thời khi những biến động này tác động đến sản xuất và sinh kế nông hộ.

Đây cũng là cách để cộng đồng địa phương thực hiện quyền yêu cầu trách nhiệm các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và quốc tế trong việc đưa ra các chính sách phù hợp, hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án cũng sẽ giúp tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện và tỉnh bằng những phương thức truyền thông thông tin và tăng cường năng lực được thiết kế chuyên biệt để phù hợp với từng địa phương nhằm giúp cho đội ngũ này bổ sung kiến thức về tác động của biến đổi khí hậu (trong mối liên hệ với các áp lực khác lên tài nguyên và môi trường) đến đời sống dân sinh, đồng thời giúp trao đổi thông tin hiệu quả hơn với cộng đồng địa phương, từ đó ra quyết định đầu tư và kế hoạch hành động ứng phó thiết thực, hiệu quả với biến đổi khí hậu của địa phương mình trong tương lai.