Rừng Huổi Só bị tàn phá nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Thời gian qua, tình trạng lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra vô cùng phức tạp tại địa bàn huyện Tủa Chùa, Điện Biên.

Trong chuyến công tác tại địa bàn xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa những ngày gần đây, chúng tôi đã “sốc” trước tình trạng người dân ngang nhiên khai thác, vận chuyển gỗ từ bến sông đi đến các điểm cất giữ giữa thanh thiên bạch nhật. Càng đau xót hơn khi trên cung đường dài 15km từ trung tâm xã Huổi Só tới khu vực bản Huổi Lóng, chúng tôi đã bắt gặp cảnh “máu rừng” chảy la liệt trên đường. Hàng trăm thanh gỗ đủ kích thước dài, rộng, vuông thành sắc cạnh nằm la ven đường. Tại những điểm khai thác, tập kết khác, gỗ thành phẩm nằm trên các triền đồi, núi có thể trông thấy rõ mồn một khi đứng từ huyện lộ nhìn lên phía núi…

Gỗ được tập kết tại bến sông Huổi Lóng chờ vận chuyển
Gỗ được tập kết tại bến sông Huổi Lóng chờ vận chuyển

Từ bến gỗ giữa thanh thiên bạch nhật…

Mặc dù mới đầu giờ chiều, nhưng tại khu vực bến Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, các hoạt động sinh hoạt của người dân vẫn vô cùng tấp nập. Những chiếc xuồng có trọng tải lên tới gần 3 tấn chở đầy hàng hóa đang dần cập bến. Không thể phủ nhận những lợi ích từ khi sông Đà tích nước mang lại cho người dân sống ở các bản ven sông.

Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không ngờ đến đó là việc người dân tận dụng lợi thế đường thủy để vận chuyển gỗ trái phép, trốn tránh lực lượng chức năng một cách dễ dàng hơn. Ngay tại bến sông chúng tôi bắt gặp vô số những hộp gỗ lớn vuông vức có chiều dài ước tính gần 4 mét, rộng khoảng 40cm, dày từ 20 đến 25 cm được xếp chồng thành những đống lớn. Một số nằm lẫn trong những đống tre, củi nằm ngổn ngang trên bến sông.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những hộp gỗ này được vận chuyển bằng đường sông từ nơi khác đến, tập kết thành đống tại bến và chờ chủ gỗ đến vận chuyển mang đi. Theo một số người thợ đóng xuồng tại bến sông này cho biết thì một chiếc xuồng sắt cỡ lớn, đóng trực tiếp tại đây (giá khoảng 30 triệu đồng) có sức chứa trung bình từ 3-4 tấn thì việc vận chuyển hết số gỗ trên quả thật là không mấy khó khăn. Theo thống kê của UBND xã Huổi Só, trên địa bàn xã hiện có không dưới 100 chiếc xuồng sắt cỡ này.

Thời gian càng về chiều thì bến sông Huổi Lóng càng trở nên tấp nập. Lúc này, các “chủ gỗ” xuất hiện cùng với những “chiến mã” chuyên dùng để vận chuyển gỗ về nơi tập kết. Tiếng động cơ gầm rú cả bến sông. Bụi đường tung lên mù mịt theo những vệt bánh xe kéo thành hàng trên con đường dốc xuống bến. Xe máy tỏ ra là phương tiện hữu hiệu nhất được sử dụng để vận chuyển gỗ trên những con đường đầy ổ voi, ổ gà. Chúng tôi nhanh chóng che cất dụng cụ tác nghiệp để tiếp cận một nhóm 3 xe máy do 3 thanh niên điều khiển. Nhanh chóng và gọn gàng, những thanh gỗ dần được xếp lên xe, chằng buộc cẩn thận bằng dây thừng, dây cao su cỡ lớn. Với những động tác dứt khoát quen thuộc, những thanh gỗ lớn mau chóng được xếp lên xe. Trung bình một xe chở được 3 – 4 thanh gỗ, một lần vận chuyển cả nhóm chở được từ 10-15 thanh gỗ.

Những tiếng gầm rú của động cơ lại vang lên phá tan không gian yên tĩnh của bến sông, cả tốp nhanh chóng mất hút để lại đằng sau lớp bụi còn đang tung lên mù mịt cùng những ánh mắt ngước theo của một số người dân.

… tới những cung đường tràn ngập “máu rừng”

Chúng tôi tiếp tục luồn máy quay vào ống tay áo mưa, phóng xe lần theo tốp “chiến mã” chở gỗ đi sâu vào trong khu vực dân cư của bản Huổi Lóng. Sau hàng trăm mét “bám đuôi”, vì sợ bị phát hiện, nghi ngờ nên chúng tôi đành “cắt đuôi” nhóm vận chuyển gỗ trên con đường đất ở khu vực trung tâm bản. Tại đây, chúng tôi đã có được những hình ảnh vô số những hộp gỗ lớn, bé, dài, rộng khác nhau được người dân tập kết tại một bãi đất trống. Phóng tầm mắt quan sát những ngôi nhà xung quanh, chúng tôi lại bắt gặp những thanh gỗ được xếp ngay ngắn dưới gầm nhà sàn của nhiều nhà dân. Một số nhà sàn còn đang dựng dở với rất nhiều hộp gỗ bên cạnh.

Quay trở về trên cung đường từ bản Huổi Lóng ra trung tâm xã Huổi Só (dài 15km) chúng tôi bắt gặp nhiều điểm tập kết gỗ trên đường. Điều làm chúng tôi bất ngờ là khi đi từ trung tâm xã Huổi Só về bến Huổi Lóng, những điểm tập kết gỗ này chưa xuất hiện trong hành trình của chúng tôi.

Điểm đầu tiên chúng tôi mục kích nằm cách bản Huổi Lóng khoảng 5km. Tại điểm này, nhiều hộp gỗ, ván gỗ vẫn còn đang nằm 2 bên đường. Mỗi thanh gỗ có chiều dài từ 4 đến 6 mét, chiều rộng khoảng 30cm, dày khoảng 30 đến 35 cm. Hai đống gỗ lớn nhất ước tính có đến gần 200 thanh gỗ được xếp gọn gàng và phân loại rõ ràng theo màu sắc. Mùi nhựa gỗ vẫn còn toả mùi ngai ngái. Khu vực đồi ngay phía trên, cỏ, cây bụi bị dập nát. Mùn cưa, vỏ gỗ vương vãi khắp trên đường, chứng tỏ lâm tặc đã sơ chế thành phẩm ngay tại vị trí này.

Cách điểm này tầm 300 mét cũng xuất hiện một điểm tập kết gỗ khác của lâm tặc. Tại đây, nhiều thanh gỗ có chiều dài gần 3m, dày 30 đến 35cm, rộng khoảng 40 cm được xếp dựng, dựa vào sườn đồi, bên cạnh là một chiếc xe máy với dây thừng và dây cao su đã được chuẩn bị sẵn phía đuôi xe.

Điểm tập kết gỗ thứ 3 chúng tôi bắt gặp cách điểm tập kết thứ 2 chừng 3km. Tại đây có thể dễ dàng trông thấy điểm khai thác, sơ chế gỗ của lâm tặc ở khu đồi phía đối diện. Các mảnh gỗ thừa vẫn nằm rải rác trên sườn đồi, cây cối đổ rạp cả một khoảng lớn. Phía ngoài khu vực đường đi, các vật dụng giầy, dép, phương tiện xe máy vẫn còn nguyên tại hiện trường. Mùn cưa, vỏ gỗ vụn vương vãi ở khắp nơi. Tại đây, gần 20 thanh gỗ được cắt gọt vuông vức nằm bên vệ đường. Một số thanh có chiều dài gần 10 mét cũng đang được dựa vào vách núi ngay bên cạnh… Ngoài những điểm tập kết, khai thác gỗ với số lượng lớn kể trên thì suốt chiều dài đoạn đường từ bản Huổi Lóng tới trung tâm xã Huổi Só chúng tôi cũng đã bắt gặp nhiều điểm có gỗ kích thước lớn, bé khác nhau được tập kết hai bên vệ đường.

Theo ước tính, số lượng gỗ mà chúng tôi bắt gặp tại các điểm tập kết này lên tới vài chục khối, chưa kể tới số lượng gỗ xếp tại các khu nhà sàn còn đang dựng dở…

Chính quyền cơ sở tự mở … “cửa rừng”?!

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết, chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ đã được huyện kết thúc vào ngày 15/12/2010. Toàn huyện đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 1.299 căn nhà gỗ cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện đúng theo tiêu chuẩn 3 cứng (khung, nền, mái đều cứng). Vậy, việc người dân khai thác gỗ trên địa bàn nhằm mục đích gì, làm nhà ở có được cấp phép hay không? Liệu rằng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có hay biết về thực trạng những cánh rừng ở Huổi Só đang từng ngày bị “xẻ thịt” không thương tiếc?

Mang theo những câu hỏi này đến UBND xã Huổi Só để tìm lời giải thì chúng tôi được ông Lý A Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Khi triển khai Chương trình 167 trên địa bàn huyện Tủa Chùa thì xã Huổi Só có 47 hộ được thụ hưởng chương trình này. Tuy nhiên từ năm 2009 đến năm 2010 trên địa bàn xã Huổi Só không còn triển khai dự án làm nhà 167 cho hộ nghèo nữa.

Trước câu hỏi tại sao tình trạng gỗ trên địa bàn bị khai thác ồ ạt như đã diễn ra thì ông Chỉnh cho biết thêm: “Do một số các hộ mới tách ra ở riêng chưa có nhà nên đã làm đơn xin thôn cho phép xây dựng một căn nhà mới. Thôn họp, bà con trong thôn xác nhận nhất trí là hộ gia đình này mới tách, chưa có nhà ở và đồng ý cho hộ gia đình đó tách và tạo điều kiện cho hộ tận dụng gỗ tại chỗ làm một căn nhà mới”.

Theo như lời ông Phó Chủ tịch xã Lý A Chỉnh thì việc người dân trên địa bàn ồ ạt khai thác gỗ là để xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có con lấy vợ, lấy chồng mới tách ra ở riêng. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu làm nhà mới này, các hộ tách mới chỉ cần làm đơn xin thôn, thôn họp rồi nhất trí cho khai thác mà không hề thông qua lực lượng chức năng quản lý rừng trên địa bàn. Việc chính quyền xã biết người dân trong xã chỉ cần làm đơn thông qua các hộ trong thôn là đã có thể khai thác rừng mà không hề có biện pháp giải quyết nào thì liệu chính quyền địa phương tại xã Huổi Só có phải đã tự ý “mở cửa rừng” cho người dân khai thác tràn lan hay không? Câu hỏi này xin dành lại cho cơ quan chức năng.

Lực lượng chức năng đã …“lực bất tòng tâm”?

Tình trạng khai thác rừng trên địa bàn xã Huổi Só diễn ra, theo như ông Chỉnh nói thì chính quyền xã Huổi Só đã biết. Liệu, sự thật này cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm huyện Tủa Chùa có biết không?

Ngày 6/1/2013, chúng tôi đã có mặt tại Trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa để tìm hiểu vấn đề này. Tại buổi làm việc, lực lượng chức năng lại không hề hay biết chút nào về tình trạng rừng ở Huổi Só đang bị tàn phá nghiêm trọng. Khi phóng viên đề cập tới vấn đề này thì lực lượng kiểm lâm huyện mới sốt sắng gọi điện thoại cho kiểm lâm địa bàn hỏi về thực trạng… Chỉ tới khi được xem lại những hình ảnh mà phóng viên ghi lại trong quá trình tác nghiệp tại bến sông Huổi Loóng thì các cán bộ kiểm lâm ở đây mới thật sự vỡ lẽ…

Điều khiến chúng tôi bàng hoàng là ông Nguyễn Văn Hải, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, phụ trách Hạt khi xem xong những đoạn clip mà phóng viên cung cấp đã thản nhiên cho hay: “Chỗ này chưa ăn thua gì đâu, chưa là gì, tôi đi 3 ngày còn quét hơn 10 m3 về. Nếu huyện không chỉ đạo cương quyết thì kiểm lâm cũng bất lực thôi…Anh em chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi”.

Trước đó, khi đề cập đến những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, cán bộ kiểm lâm Trần Đức Quyền, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cũng cho biết thêm: “Việc quản lý, khai thác rừng trên địa bàn hiện tại còn gặp rất nhiều khó khăn. Do địa bàn huyện rộng, lực lượng Kiểm lâm địa bàn mỏng, phương tiện thiếu thốn. Khi phát hiện các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép trên sông thì các đối tượng lại chạy sang địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu để tẩu thoát. Mặc dù UBND huyện Tủa Chùa đã ký giao ước bảo vệ rừng đối với nhân dân địa bàn các xã, cũng như các tỉnh lân cận, song công tác quản lý vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn…”.

Thực hư tình trạng rừng trên địa bàn xã Huổi Só bị tàn phá đã rõ. Người dân trên địa bàn ngang nhiên đi phá rừng vì “đã được sự chấp thuận của người trong thôn” trong khi chính quyền cơ sở làm ngơ, cơ quan chức năng, kiểm lâm địa bàn “bất lực”. Với thực tế này thì câu hỏi đặt ra là: liệu những cánh rừng trên địa bàn xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa có thể tồn tại được trong khoảng bao lâu nữa?

 

Vận chuyển gỗ rời bến sông Huổi Lóng bằng xe máy
Vận chuyển gỗ rời bến sông Huổi Lóng bằng xe máy
Một điểm tập kết gỗ trên đường từ Huổi Lóng đến Trung tâm xã Huổi Só
Một điểm tập kết gỗ trên đường từ Huổi Lóng đến Trung tâm xã Huổi Só
Một điểm sơ chế gỗ của lâm tặc trên triền đồi đứng từ huyện lộ nhìn sang
Một điểm sơ chế gỗ của lâm tặc trên triền đồi đứng từ huyện lộ nhìn sang

100113_TT_DienBienRungHuoiSobitanphanghiemtrong5

 Gỗ được tập kết để dựng nhà sàn tại bản Pê Răng Ky
Gỗ được tập kết để dựng nhà sàn tại bản Pê Răng Ky
Gỗ xếp thành hàng gần UBND xã Huổi Só
Gỗ xếp thành hàng gần UBND xã Huổi Só